Ở trạng thái trung dung, không có điểm tham chiếu. Khi tâm trí không có điểm tham chiếu thì nó không tự giải quyết được, cũng không lưu luyến hoặc bấu víu. Làm thế nào chúng ta có thể không có điểm tham chiếu? Để không có điểm tham chiếu, cần phải thay đổi phản ứng theo thói quen ăn sâu với thế giới: bắt nó phải hoạt động theo cách này hay cách khác. Nếu tôi không thể rẽ trái hay rẽ phải, tôi sẽ chết! Khi chúng ta không sang trái hay sang phải, chúng ta cảm thấy như mình đang ở trong một trung tâm giải độc. Chúng ta đơn độc, đột ngột mất đi mọi sự bực dọc mà ta luôn tránh bằng cách rẽ trái hay rẽ phải. Cảm giác bực dọc đó có thể cho cảm giác rất nặng nề.
Tuy nhiên, việc bao nhiêu năm tháng chọn lựa phải rẽ trái hay rẽ phải, phải trả lời có hay không, phải chọn đúng hoặc sai cũng chẳng thay đổi được gì. Tranh đấu cho sự an toàn chẳng đem được gì ngoài cảm giác vui mừng nhất thời. Đó cũng giống như đổi tư thế chân của chúng ta khi ngồi thiền. Chân chúng ta đau khi ngồi bắt chéo, nên ta phải đổi tư thế. Và rồi ta cảm thấy, “Phù! Thật thoải mái!” Nhưng sau 2-3 phút, chúng ta lại muốn đổi tư thế. Chúng ta cứ thế thay đổi để tìm lấy sự thoải mái, dễ chịu và sự hài lòng có được đó lại ngắn ngủi làm sao.
Chúng ta đã nghe rất nhiều về nỗi đau của luân hồi, và ta cũng nghe đến sự giải phóng. Nhưng ta không nghe kể rằng sẽ đau đớn như thế nào để đi từ trạng thái hoàn toàn mắc kẹt đến trạng thái được cởi trói. Quá trình được cởi trói đòi hỏi sự can đảm to lớn, bởi vì về cơ bản chúng thay đổi hoàn toàn cách nhận thức về thực tế, giống như thay đổi DNA của mình. Chúng ta không chỉ thay đổi khuôn mẫu của chính mình. Mà đó là khuôn mẫu con người: rằng chúng ta luôn kì vọng thế giới này có hàng triệu tỷ khả năng cho ra giải pháp. Chúng ta có thể có hàm răng trắng hơn, khu vườn không cỏ dại, cuộc sống không xung đột, thế giới không có sự xấu hổ. Chúng ta có thể sống hạnh phúc mãi mãi về sau. Khuôn mẫu này làm chúng ta luôn thấy không hài lòng và khiến chúng ta đau khổ.
Đặc quyền bẩm sinh của chúng ta: Sự trung dung
Là con người, chúng ta không chỉ tìm kiếm giải pháp, chúng ta còn nghĩ rằng mình xứng đáng với giải pháp. Tuy nhiên, chúng ta không những không xứng với giải pháp, chúng ta chịu đau khổ từ những giải pháp. Chúng ta không xứng với các giải pháp; chúng ta xứng đáng với thứ gì tốt đẹp hơn thế. Chúng ta xứng đáng với quyền lợi bẩm sinh của mình, đó là sự trung dung, là trạng thái cởi mở tâm trí để có thể thư giãn với nghịch lý và mơ hồ. Ở mức độ trốn tránh sự bất định, chúng ta tự nhiên sẽ có các triệu chứng tháo chạy – chạy khỏi việc luôn nghĩ lúc nào cũng có vấn đề và có ai đó, ở đâu đó giải quyết nó.
Con đường trung dung luôn rộng mở, nhưng lại khó đi, vì nó vốn đi ngược lại với những hạt giống khuôn mẫu được gieo trồng từ thời cổ đại mà chúng ta kế thừa. Khi ta cảm thấy cô đơn, khi ta cảm thấy vô vọng, điều chúng ta muốn làm là rẽ trái hay rẽ phải. Chúng ta không muốn ngồi yên, cảm nhận điều mình đang cảm thấy. Chúng ta không muốn trải qua quá trình thanh lọc. Tuy nhiên sự trung dung khuyến khích chúng ta làm thế. Nó khuyến khích ta đánh thức sự can đảm tồn tại trong tất cả mọi người mà không có ngoại lệ, bao gồm cả tôi và bạn.
Thiền định mang đến cho chúng ta một phương pháp huấn luyện sự trung dung – ở ngay tại chỗ. Chúng ta được khuyến khích không phán xét bất cứ điều gì phát sinh trong tâm trí. Trên thực tế, chúng ta được động viên không nắm lấy bất cứ điều gì phát sinh trong tâm trí. Những gì ta hay nhận định tốt hay xấu chúng ta đơn giản thừa nhận đó là suy nghĩ, không kèm theo những câu chuyện ly kì về đúng sai. Chúng ta được hướng dẫn để cho dòng suy nghĩ đến và đi như là dùng một chiếc lông ngỗng chạm vào bong bóng. Kỉ luật đơn giản này chuẩn bị cho chúng ta ngừng vật lộn và khám phá trạng thái sống tươi mới, không thiên vị.
Việc trải qua một số cảm xúc nhất định có thể thai nghén cho sự khát khao tìm kiếm giải pháp: sự cô đơn, chán nản, lo lắng. Nếu chúng ta không thể thư giãn với những cảm xúc này, chúng ta sẽ khó có được sự trung dung khi đang trải qua những cảm xúc này. Chúng ta muốn chiến thắng hay thất bại, được khen ngợi hay bị đổ tội. Ví dụ như, nếu ai đó bỏ rơi ta, chúng ta không muốn đơn độc với sự khó chịu thô lậu đó. Thay vào đó, chúng ta tự xây dựng đặc điểm nhận dạng quen thuộc của chính mình như là một nạn nhân bất hạnh. Hoặc có thể chúng ta tránh sự thô lậu đó bằng cách biểu lộ và nói cho cái người bỏ rơi chúng ta một cách chính đáng là anh/cô ấy đã gây rắc rối như thế nào. Chúng ta tự động muốn che đậy nỗi đau bằng cách này hay cách khác, đóng khung trong vai trò kẻ chiến thắng hay nạn nhân.
Thông thường chúng ta xem nỗi cô đơn là kẻ thù. Không ai muốn bị đau tim cả. Nó không ngơi nghỉ và khơi lên khao khát trốn tránh và tìm đến ai đó hoặc thứ gì đó. Khi chúng ta có thể thư giãn ở trung dung, chúng ta bắt đầu có mối quan hệ không đe dọa với cô đơn, một sự cô đơn thư giãn và bình thản có thể làm đảo ngược khuôn mẫu đáng sợ của chúng ta.
Có 6 cách miêu tả sự cô đơn bình thản này. Đó là: giảm ham muốn, duy trì toại ý, tránh các hoạt động không cần thiết, tuyệt đối kỉ luật, không lưu lạc trong thế giới dục vọng, và không tìm kiếm an toàn trong những vọng tưởng.
Giảm ham muốn
Khao khát ít đi là việc sẵn lòng cô đơn mà không cần giải pháp khi mà mọi thứ trong chúng ta đang mong mỏi điều gì đó làm mình vui vẻ hơn, giúp thay đổi tâm trạng mình. Thực hành sự cô đơn này là một cách gieo hạt để những bồn chồn căn bản giảm đi. Ví dụ như khi thiền định, mỗi khi chúng ta dán nhãn “suy nghĩ” thay vì chạy miệt mài bởi luồng suy nghĩ của mình, chúng ta đang tự huấn luyện cho mình việc chỉ ở nơi đó mà không phân tán. Chúng ta không thể làm được điều đó ngay bây giờ ở mức độ mà chúng ta không sẵn sàng làm vậy ngày hôm qua hoặc ngày hôm trước hoặc tuần trước hay năm trước. Sau khi chúng ta đã hết lòng và kiên trì luyện tập việc khao khát ít đi, điều gì đó sẽ thay đổi. Chúng ta sẽ cảm thấy ít tham muốn hơn theo nghĩa là ít bị quyến rũ bởi những câu chuyện ta cho là quan trọng. Vì vậy ngay cả khi sự cô đơn nóng vội đang tồn tại, nhưng ta có thể ngồi yên trong 1.6s với sự bồn chồn trong khi ta còn không ngồi được như vậy quá một giây ngày hôm qua, đó là hành trình của một chiến binh. Đó là con đường của lòng dũng cảm. Chúng ta càng ít xoay chuyển và điên loạn, chúng ta nếm trải càng nhiều sự hài lòng về nỗi cô đơn bình thản . Cũng như thiền sư Katagiri Roshi đã nói “Một người có thể cô đơn mà không bị nó vật ngã.”
Toại ý
Loại hình thứ hai của cô đơn là toại ý, hài lòng. Khi chúng ta chẳng có gì trong tay, chúng ta cũng chẳng có gì để mất. Chúng ta không có gì để mất nhưng lại bị lập trình bên trong mình để luôn cảm thấy ta mất rất nhiều thứ. Cảm giác rằng ta có rất nhiều thứ để mất bắt nguồn từ sự sợ hãi – sợ cô đơn, sợ thay đổi, sợ bất cứ điều gì không giải quyết được, sợ sự không tồn tại. Cái hi vọng rằng ta có thể trốn tránh cảm giác này và nỗi lo sợ chúng ta không làm được như vậy không thể là điểm tham chiếu của chúng ta.
Khi chúng ta vạch một đường thẳng đến giữa tâm tờ giấy trắng, chúng ta biết mình là ai nếu mình ở bên trái và mình là ai nếu mình ở bên phải. Nhưng chúng ta không biết mình là ai khi ta không nằm đâu hai bên trái phải. Và rồi như thế ta không biết hành động thế nào. Chúng ta chỉ đơn giản không biết. Chúng ta không có gì để tham chiếu, không bàn tay nào để bấu víu. Và ở điểm đó hoặc là ta sợ hãi hoặc là ta trấn định. Sự thỏa mãn đồng nghĩa với cô đơn, sự cô đơn bình thản , ta lắng xuống với nỗi cô đơn đó. Chúng ta không còn tin rằng có thể thoát khỏi sự cô đơn sẽ đem đến niềm vui lâu dài hoặc cảm giác sống còn hoặc sự can đảm hay sức mạnh. Thông thường ta phải từ bỏ niềm tin này hằng tỷ lần, hết lần này đến lần khác làm bạn với sự nỗi sợ hãi của mình và làm điều ấy hàng tỷ lần với sự nhận thức.Và khi chúng ta không để ý, điều gì đó sẽ đổi thay. Chúng ta có thể chỉ cô đơn như vậy không cần thay thế, với sự thỏa mãn được ở đây với tâm trạng và chất liệu của những gì đang xảy ra.
Tránh những hành động không cần thiết
Loại hình thứ ba của sự cô đơn là tránh những hành động không cần thiết. Khi chúng ta cô đơn trong sự nóng vội, chúng ta sẽ tìm kiếm những gì có thể cứu rỗi mình; ta tìm đường ra. Chúng ta sẽ có cái cảm giác buồn nôn mà ta gọi là cô đơn này, và tâm trí chúng ta sẽ điên lên chạy đi tìm người đồng hành cứu ta thoát khỏi khổ đau. Đó gọi là hành động không cần thiết. Đó là cách làm ta bận rộn để không cảm thấy đau đớn. Nó có thể là sự mơ mộng bất tận về một mối tình lãng mạn đích thực nào đó, hoặc biến những tin lá cải thành tin tức nóng hổi lúc 6h, hoặc là đơn độc thám hiểm vùng đất hoang dã.
Vấn đề ở đây là trong tất cả những hành động này, chúng ta tìm kiếm sự đồng hành trong cái cách quen thuộc của mình, sử dụng những cách thức cũ kĩ lặp đi lặp lại tách mình khỏi nỗi cô đơn quái quỷ. Chúng ta có thể lắng lại, dành lòng trắc ẩn và tôn trọng cho chính mình không? Chúng ta có thể ngừng cố gắng trốn tránh nỗi cô đơn với chính mình? Có thể thực hành việc không nhảy loạn lên, không nắm bắt gì khi ta bắt đầu hoảng sợ? Thư giãn với sự cô đơn là việc rất đáng để làm. Như nhà thơ Nhật Bản Ryokan nói “Nếu bạn muốn tìm thấy ý nghĩa, hãy dừng lại việc theo đuổi quá nhiều thứ.”
Kỉ luật tuyệt đối
Kỉ luật tuyệt đối là một bộ phận khác của sự cô đơn bình thản . Kỉ luật tuyệt đối có nghĩa là trong mỗi cơ hội có được, chúng ta sẵn sàng quay về, quay về khoảnh khắc hiện tại. Chúng ta sẵn sàng ngồi yên, chỉ ở đó, một mình. Chúng ta không cần đặc biệt nuôi dưỡng loại cô đơn này; chỉ cần ngồi đủ lâu để nhận ra nó là như thế nào. Về cơ bản ta cô đơn, không có gì không nơi nào cho ta bám lấy. Hơn nữa, đây cũng không phải là vấn đề gì ghê gớm. Thật ra, nó cho phép chúng ta khám phá trạng thái tồn tại hoàn toàn không hư cấu. Những giả định theo thói quen – những ý tưởng về mọi vật là gì – khiến ta không thể nhìn nhận mọi thứ một cách tươi mới, cởi mở. Chúng ta nói “Oh vâng, tôi biết.” Nhưng ta có biết gì đâu. Chúng ta hoàn toàn chẳng biết gì. Không có thứ gì là chắc chắn. Chân lý cơ bản này gây đau đớn và chúng ta muốn trốn chạy khỏi nó. Nhưng nếu ta quay trở lại và thư giãn với điều gì đó quen thuộc như sự cô đơn thì đó là một kỉ luật tốt để nhận ra sự phong phú của những khoảnh khắc chưa giải quyết trong cuộc sống của mình. Chúng ta lừa gạt bản thân khi chúng ta trốn chạy khỏi sự mơ hồ của cô đơn.
Không lạc trong thế giới dục vọng
Không lạc lối trong thế giới dục vọng là một cách khác để mô tả sự cô đơn bình thản . Việc lang thang trong thế giới ham muốn bao gồm việc tìm kiếm sự thay thế, tìm thứ gì có thể xoa dịu ta – ăn, uống, con người. Từ “dục vọng” bao hàm ý nghĩa “nghiện ngập”, cái cách ta bắt lấy thứ gì vì ta muốn tìm cách giải quyết mọi việc. Điều đó là vì ta chưa trưởng thành. Chúng ta vẫn muốn về nhà và mở tủ lạnh, tìm ăn những món ngon lành; khi gặp chuyện khó khăn ta lại hét lên “Mẹ ơi!” Nhưng điều ta làm khi đi trên con đường này là rời nhà và trở thành kẻ vô gia cư. Không lang thang trong thế giới dục vọng là đối diện mọi thứ đang diễn ra. Cô đơn không phải là vấn đề. Cô đơn không phải là điều cần giải quyết. Điều này cũng đúng cho bất cứ trải nghiệm nào ta kinh qua.
Không tìm kiếm an toàn từ những vọng tưởng
Một khía cạnh khác của sự cô đơn bình thản là không tìm kiếm sự an toàn từ những suy nghĩ có tính phân biệt. Sự trợ giúp bị lấy đi, không có cách nào để thoát khỏi điều này! Chúng ta thậm chí không tìm kiếm sự đồng hành của cuộc đối thoại với chính mình về việc nó như thế nào hay nó không như vậy, nó nên hay không nên, nó có thể hay không thể. Với sự cô đơn bình thản , chúng ta không hi vọng về an toàn từ những cuộc đối thoại với mình. Đó là lý do tại sao chúng ta được hướng dẫn việc dán nhãn các “suy nghĩ” khi thiền định. Nó không có thực tế khách quan. Nó trong suốt và không nắm bắt được. Chúng ta được khuyến khích chỉ chạm vào người đang nói bên trong mình và để nó đi, không làm gì hơn.
Sự cô đơn bình thản cho phép ta nhìn vào tâm trí của chính mình một cách thành thật, không hiếu chiến. Chúng ta có thể dần dần bỏ đi những lý tưởng của mình về việc mình nên là ai, hoặc mình muốn là ai, muốn mọi người nghĩ mình thế nào. Chúng ta từ bỏ và nhìn thẳng vào cái người chúng ta đang là với sự yêu thương và hài hước. Và cô đơn sẽ không đe dọa và gây đau đầu, không kèm hình phạt gì cả.
Sự cô đơn bình thản không mang đến giải pháp gì hoặc cho ta sự vững chắc dưới đôi chân mình. Nó thách thức ta bước vào thế giới không điểm tham chiếu mà không phân cực. Đó gọi là trung dung, hay là con đường thiêng liêng của các chiến binh.
Khi bạn thức dậy vào buổi sớm rồi tự nhiên cảm thấy cơn đau của sự cô lập và cô đơn, bạn có thể xem đó như một cơ hội vàng không? Thay vì làm hại mình hoặc cảm giác như có gì đó tồi tệ lắm đang xảy ra, ngay tại khoảnh khắc cô đơn buồn bã đó, bạn hãy thư giãn và chạm lấy không gian vô hạn của nhân tâm. Lần tới nếu có cơ hội, hãy thử nhé.
Nguồn: Lion Roar
Dịch bởi Yogavietnam
Lời người dịch: Cám ơn bạn đã kiên nhẫn đọc đến cuối bài dịch này. Phải nói đây là một bài xã luận khó cho người dịch amateur như tôi. Thật ra thì tất cả những bài xã luận với triết lý Phật giáo đều khó vì những tầng lớp ý nghĩa sâu xa của chúng. Nghĩ là mình có thể hiểu phần nào nội dung nhưng khi chuyển ngữ thì cảm thấy vô lực vì không thể hoàn toàn truyền tải lời nhắn gửi của tác giả. Nhưng tôi vẫn muốn dịch, muốn chia sẻ cho các bạn lời dạy của thiền sư Pema Chodron để một lúc nào đó bạn có thể áp dụng những điều này vào cuộc sống biến hóa của mình, có thể đối diện và ôm lấy nỗi cô đơn của chính mình. Tôi cũng chưa làm được như vậy. Tôi hi vọng sẽ có thể chia sẻ được trải nghiệm của mình vào một ngày không xa với bạn.