Tác giả_ Iain Grysak
Iain Grysak, là người Canada, hiện đang dạy Ashtanga Vinyasa Yoga tại Spacious Yoga, Bali. Iain có 20 năm thực hành và 19 năm giảng dạy yoga. Iain cũng thực hành thiền Vipassana lâu năm và luôn hướng cuộc sống, tập luyện và giảng dạy của mình vào việc quán chiếu nội tâm để tiến gần hơn đến bản chất sự thật. Iain đã dành phần lớn thời gian trong 20 năm qua tập luyện tinh tấn và kiên định Ashtanga truyền thống , Mysore style vì Iain tin rằng thực hành truyền thống Ashtanga Msyore lâu bền là cách duy nhất để khám phá những hiệu nghiệm tinh túy của trường phái này biểu lộ trên cơ thể, tâm trí và hệ thần kinh một cách bề vững và hợp nhất. Iain được K Pattabhi Jois Ashtanga Yoga Institute cấp chứng nhận dạy Ashtanga Mysore bậc 2 (level 2 authorization)
Bandha xuất hiện một cách tự nhiên bên trong của một người tập Ashtanga khi những phẩm chất Sukha (sự mềm mại, nhẹ nhàng, thoải mái) và Sthira (sự vững chắc, ổn định, sức mạnh) cùng được hình thành và nuôi dưỡng trong một mối quan hệ năng động tương hỗ.
Theo ý kiến và trải nghiệm bản thân, tôi nghĩ rằng quan niệm phổ biến cho Mula bandha xuất hiện khi người tập ý thức siết chặt vùng sàn chậu ( hoặc những cơ khác thuộc vùng này) là không đúng. Trong những khóa học yoga chuyên sâu và pranayama của mình, tôi cố gắng chỉ dẫn học viên điều cốt lõi để có được trải nghiệm Mula Bandha một cách thư giãn và tự nhiên nhất.
Để trả lời một câu hỏi liên quan của học viên trong khóa học Immersion của tôi, tôi giải thích phương diện “Sthira” của bandha xuất hiện từ sự tương tác trọn vẹn và có ý thức với mặt đất, chứ không phải từ sự siết chặt hay kìm kẹp bất cứ thứ gì. Bất kể phần nào đó của cơ thể khi tiếp chạm với mặt đất phải gắn kết với mặt đất trong một mối quan hệ khoan lạc. Mối quan hệ này phải vững vàng, trọn vẹn và tinh tế. “Mula” thường được dịch với nghĩa là “Gốc rễ” , hình thành trong sự liên kết từ mặt đất với cơ thể chúng ta, là bản chất của sự bén rễ.
Một khi sự bén rễ được thành lập, năng lượng từ mặt đất bắt đầu đi lên và vào trong cơ thể, sau đó chúng ta cần tìm ra “Sukha” để năng lượng này được lan rộng, thấm đẫm và phân phát đến mọi nơi. Đơn giản chúng ta chỉ cần “buông” cái năng lượng đang dâng tràn này, cái mà vốn dĩ nó sẽ tự nhiên lan tỏa và mở rộng. Để làm được điều này, chúng ta phải cho phép sự mềm mại, loại bỏ căng thẳng và sự mở rộng thư giãn được diễn ra. Bất cứ sự siết chặt hay kìm kẹp nào cũng đều cản trở sự thư giãn này.
Khi hỗ trợ học viên vào tư thế uốn lưng (backbending), tôi nhận thấy có vô số trường hợp học viên bị khóa ở vùng hông và khó khăn trong việc duỗi hông trong các tư thế này. Tôi cho rằng một phần lý do của trở ngại này là việc cố gắng áp dụng sai ý niệm về Mula bandha.
Mula bandha vững vàng nhưng cũng thư giãn. Nó giống như một cái cây, bám rễ mạnh mẽ vào lòng đất và rút dưỡng chất từ mặt đất đi lên nuôi dưỡng đến tận những cành lá trong sự phát triển thư thái và rộng mở . Rễ và thân dưới của cây vững chắc trong khi cành và lá mềm mại. linh hoạt và có khả năng thay đổi để thích nghi với những ảnh hưởng của môi trường. Khi đang ngồi đây viết những dòng chữ này, tôi cũng thấy trước mắt mình là hàng cây xung quanh hiên nhà đang đung đưa trong gió nhẹ. Đây là sukha. Kể cả một cơn dông tố đi qua cùng gió mạnh, những cây nhỏ nhất cũng sẽ kiên định và bám chặt để không bị thổi bay hay phá hủy. Đây là Sthira. Mula bandha cũng hiện hữu trong cả thiên nhiên.
Hầu hết mọi người có xu hướng tự nhiên thiên về “Sukha” hoặc “Sthira”. Tuy nhiên mục tiêu là tạo nên sự cân bằng. Chúng ta nên ý thức nuôi dưỡng phẩm chất bị yếu kém hơn để nó có thể tương trợ cho phẩm chất nổi trội của chúng ta. Hai phẩm chất này cũng cần tương hỗ trao đổi thông tin.
Một người thầy tốt luôn luôn nỗ lực học từ những học trò của mình. Quan sát những cách thức khác nhau mà việc luyện tập Ashtanga tác động lên từng cấu trúc cơ thể và những tính cách khác nhau là cách tuyệt vời để hiểu về sự luyện tập này cặn kẽ hơn.
Ở vị trí là một giáo viên, tôi cũng tìm được cảm hứng từ những học viên thực hành sâu sắc một số phương diện mà bản thân tôi cũng cần phải bồi đắp thêm cho chính việc luyện tập của mình. Làm việc với hai người phụ nữ này (trong ảnh) mang lại cho tôi nhiều cảm hứng về việc tìm kiếm sukha trong những tư thế uốn lưng của mình. Ví dụ như cách đây vài tuần khi mới bắt đầu uốn lưng trong tư thế Kapotasana, tôi đã nghĩ về họ và cố gắng đưa sự mềm mại của họ vào trong cơ thể của chính tôi
Chỉ vài người có thể vào sâu tư thế Kapotasana với khả năng thực sự của họ. Điều này không có ý so sánh, mà chỉ để chúng ta nhận biết những phẩm chất giúp độ sâu này khả thi, sau đó áp dụng đúng đắn, đến một mức độ mà chúng ta có thể tự thân hiển lộ . Chúng ta luôn có khả năng để phát triển và trưởng thành.
Nguồn_Spacious Yoga
Dịch _ Hương Trang