Khi bạn đến một độ tuổi nhất định, điều này có thể xảy ra với bạn: Bạn bước vào gian phòng và quên mất mình vào đây làm gì. Bạn không nhớ để chìa khóa xe ở đâu. Một lần nữa. Và mặc dù bạn đã cố nhớ tên của cái người đang đứng trước mặt, tâm trí bạn trống rỗng.
Oh, không, bạn nghĩ. Đây là dấu hiệu của bệnh Alzheimer’s? Mình đang mất dần trí khôn đi?
Nếu bạn có những băn khoăn đó, bạn không đơn độc đâu. Trong một khảo sát gần đây do tổ chức Alzheimer thực hiện, có khoảng 60% người trên thế giới tin – một cách sai lầm – rằng bệnh Alzheimer là một phần không thể thiếu của tuổi già, một nỗi lo lắng đứng thứ hai chỉ sau bệnh ung thư. Tin tốt lành là có rất nhiều thông tin giúp hạn chế chứng suy giảm tâm thần và sống tỉnh táo trong những tháng ngày hoàng hôn của cuộc đời.
Có những cách giúp phân biệt hiện tượng bộ nhớ bị trục trặc liên quan đến tuổi tác với chứng mất trí nhớ: nếu bạn thấy mình không thể nhớ ra chi tiết của một sự kiện hay một cuộc đối thoại một năm trước, đó là điều bình thường; nhưng nếu bạn không thể nhớ những chi tiết của sự kiện hay cuộc trò chuyện diễn ra tuần trước, đó có thể là dấu hiệu cần gặp bác sĩ.
Đây là ba yếu tố rủi ro chính của hiện tượng suy giảm trí óc:
- Tuổi tác ngày càng cao (đến độ tuổi 85, 1/3 trong chúng ta sẽ có sự suy giảm nhận thức)
- Trong gia đình từng có người thân bị chứng mất trí nhớ.
- Đây là một trong số ít các gene di truyền cực hiếm
Mà kể cả khi bạn có những yếu tố rủi ro này, bạn cũng không nhất thiết sẽ mắc bệnh. Bên cạnh đó, có những phương pháp phòng tránh mà bạn có thể dùng.
5 cách giúp trí não luôn khỏe mạnh
1) Thách thức bản thân. Một ý tưởng đặc biệt hữu ích là phải đi ra ngoài vùng an toàn của bạn bằng cách giải quyết cái gì đó mới mẻ, mặc dù lúc đầu nó có thể làm bạn hơi bối rối. Cảm giác bối rối ấy thực ra đang giúp bộ não vận hành, căng giãn. “Vùng an toàn là nơi trí não biến thành bột nhão,” theo tác giả quyển Trí óc không tuổi: nghĩ nhanh hơn, nhớ nhiều hơn, và sống sắc sảo hơn bằng cách giảm độ tuổi của trí óc.
2) Nghỉ hưu để làm gì đó chứ không phải nghỉ hưu từ cái gì đó. Việc nghỉ hưu sớm có thể là kì nghỉ mà bạn trông đợi, nhưng nó có thê dẫn tới sự suy giảm trí nhớ nghiêm trọng. Trong thực tế, khi các nhà nghiên cứu tìm hiểu các công chức tại Anh trong 14 năm trước và sau khi nghỉ hưu, họ thấy rằng hưu trí làm giảm khả năng ngắn hạn của họ trong khả năng nhớ từ.
3) Học điều gì đó mới mẻ mỗi ngày. Điều đó sẽ giúp xây dựng nguồn dự trữ nhận thức của bạn. Có một bài nghiên cứu thú vị về các tài xế taxi ở Luân Đôn, những người phải đậu một kì thi yêu cầu nhớ bản đồ thành phố với 25000 con đường và 20000 địa điểm. Theo bản scan não, những tài xế đậu bài thi đã thực sự định hình một vùng quan trọng trong bộ não của họ, tăng cường chức năng nhận thức.
4) Giữ kết nối với mọi người. Trí não của bạn vận động khi bạn tương tác với người khác. Trong một nghiên cứu, những người lớn tuổi có ít quan hệ xã hội nhất trong giai đoạn ban đầu của cuộc thí nghiệm bị mất trí nhớ gấp đôi trong sáu năm so với những người có mức độ kết nối xã hội cao nhất.
5) Điều chỉnh sự thăng bằng của bạn. Các nghiên cứu cho thấy những người không thể đứng trên một chân lâu hơn 20 giây thì có nhiều xác xuất bị tổn thương mạch máu não hơn, chẳng hạn như chảy máu nhỏ hoặc đột quỵ nhỏ. Nếu bạn chưa làm được, hãy luyện tập việc giữ thăng bằng hàng ngày, hoặc học lớp thái cực quyền. Tại sao? Một nghiên cứu với những người tập luyện thái cực quyền ở độ tuổi 60 cho thấy khả năng giữ thăng bằng, ổn định của họ rất mạnh – trong chuẩn 90% của Tiêu chuẩn thể hình Hoa Kì.
Lời khuyên tốt nhất để sống minh mẫn khi già đi đơn giản là: tập luyện. Một nghiên cứu ở những người phụ nữ độ tuổi 38-60 cho thấy thể thao giúp đẩy lùi sự bắt đầu của bệnh Alzheimer khoảng 9.5 năm. Đó là một lý lẽ đủ tốt cho tôi.
Ủa, đôi giày của tôi để đâu rồi nhỉ?
Nguồn: Mindful
Dịch bởi Yogavietnam