Tôi đang làm việc tại phố Wall khi bắt đầu tập yoga. Lúc đó tôi đang mắc chứng đau cổ và đau lưng rất nghiêm trọng, nên tôi nghĩ yoga có thể giúp mình. Là người mới làm quen, tôi chẳng biết gì về các trường phái yoga. Có lẽ do định mệnh, nhưng lớp yoga đầu tiên tôi học là Ashtanga. Ashtanga yoga, được giới thiệu bởi Pattabi Jois, là một trong những thực hành yoga nghiêm ngặt và thách thức thể chất nhất ở phương Tây.
Nhiều lần tôi đến lớp khi một giáo viên yoga từng là vũ công nhanh nhẹn, lanh lợi đang thực hiện các tư thế yoga phức tạp một cách dễ dàng. Tôi áp dụng tư duy “không đau đớn, không tiến bộ” và nghiến răng chịu đựng sự khó chịu và đau đớn đáng kinh ngạc suốt buổi học. Tôi mất cả một giờ căng thẳng và đầy nỗ lực đến cuối cùng kiệt sức, nhưng cho phép tôi thư giãn hoàn toàn trong tư thế xác chết 5 phút cuối buổi học.
Mặc dù tôi khá là khỏe mạnh, tôi nhận thấy yoga có vẻ kì quặc và khó một cách kì lạ. Tôi không chắc có phải yoga làm tôi đau nhức hơn, vì lúc đó tôi khá là mất kết nối với cơ thể mình. Chấn thương thể thao và căng thẳng công việc khiến tôi tê cứng. Tôi tin tưởng hướng dẫn của giáo viên, nhưng thường hay tự hỏi sao các khớp chân tay lại đau thế này sau giờ học. Đầy nghịch lý, tôi thường cảm thấy tệ hơn sau khi tập yoga. Có vẻ như ai cũng có thể tập yoga trừ tôi ra. Tôi đã làm gì sai nhỉ? Tôi thực hành mọi lúc mà tôi vẫn không thể chạm ngón chân của mình. Nó làm tôi cảm thấy yếu kém. Phòng tập yoga không phải là nơi cho tôi cảm giác tốt lành về bản thân mình.
Phải mất vài năm thì tôi mới bỏ qua cách tiếp cận mang tính cạnh tranh với yoga. Sau nhiều lớp học, tôi bắt đầu học cách lắng nghe cơ thể và tôn trọng hạn chế bản thân. Chỉ đến khi tập thiền thì tôi mới bớt nghiêm khắc với bản thân mình. Đó cũng là lúc việc thực hành yoga của tôi có biến chuyển. Tôi chẳng bao giờ mơ có thể dạy yoga cho đến khi rời công việc ở phố Wall và theo học lớp đào tạo yoga ở Viện Yoga Nosara – Costa Rica. Đó là nơi tôi trải nghiệm hai mặt yin và yang của yoga và yêu thích khía cạnh dịu dàng của nó. Nó thực sự giúp tôi giải tỏa tính cách type A của mình. Bây giờ thì tôi có thể nhận ra yogi mạnh mẽ là thế nào: một cái hàm chặt, cơ thể cứng cáp và ánh mắt đầy kiên định. Họ thích yoga của họ nhanh và thách thức.
Cái cách mọi người sống cuộc đời họ là cái cách họ thể hiện trên thảm yoga. Và giáo viên yoga cũng vậy. Một vài giáo viên yoga sẽ hướng dẫn với chút ý thức cạnh tranh ganh đua trong khi những người khác thì mang đến cảm giác an toàn và bình yên. Tôi để ý rằng tùy vào tính cách con người bạn mà bạn sẽ chọn giáo viên hay trường phái yoga có xu hướng mô phỏng khuynh hướng của bạn, ví dụ nếu bạn là người cứng rắn, bạn sẽ thích yoga cứng rắn.
Nhưng trong thực hành Ayurveda, một hệ y học và dược liệu Hindu, những người có tính cách chính trong tâm tính của họ, như là cường độ mạnh và lửa nóng, thường thực hành để cân bằng năng lượng bằng cách áp dụng các hoạt động phát huy tác dụng ngược lại. Nếu bạn có tính ganh đua và tham vọng, các bài thực hành mềm mại hơn sẽ có ích cho bạn. Nếu bạn chậm chạp và ít vận động, bạn nên chọn hình thức yoga năng động, sôi nổi hơn. Tất cả chỉ là để tạo sự cân bằng. Trong Ayurveda yoga, ý đồ là để yoga thích ứng cho mỗi cá nhân, chứ không phải ngược lại, vì như vậy bạn sẽ vô thức củng cố những khuynh hướng tiêu cực.
Yoga là một túi chứa đủ loại hạt. Bạn sẽ không bao giờ biết bạn sẽ lấy được hạt gì từ đó, và không trải nghiệm yogi nào như nhau. Vẫn có những khía cạnh đen tối trong yoga mà mọi người không đề cập tới, mà tôi thường gọi là tác dụng phụ tiêu cực của yoga. Sau đây là một vài điều cần biết và làm thế nào bạn có thể khắc phục chúng.
Tác dụng phụ tiêu cực của yoga:
1) Chấn thương: năm 2010, Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng báo cáo rằng những chấn thương liên quan đến yoga dẫn đến cấp cứu hoặc phải thăm khám bác sĩ gia tăng đến 7369 vụ. Chấn thương yoga khá phổ biến. Những chấn thương yoga hay gặp nhất là ở cổ, lưng, đầu gối và vai. Chúng bao gồm rách cơ, thoát vị đĩa đệm và hội chứng ống cổ tay. Những tư thế như Chaturanga, động tác đẩy người với khuỷu tay uốn cong, có thể gây ra chấn thương nặng đến cổ tay, khuỷu tay và vai.
Khắc phục: Hãy lắng nghe cơ thể mình. Đứng tự cho rằng giáo viên hướng dẫn hiểu biết về cơ thể bạn hơn chính bạn. Nếu bạn thấy đau hay khó chịu cực kỳ, hãy thay đổi tư thế hoặc báo cho giáo viên. Đừng sợ phải nêu câu hỏi. Nếu bạn bị đau hay chấn thương, hãy báo cho giáo viên trước giờ học để họ biết và giúp chỉnh sửa tư thế cho bạn. Hãy nhớ rằng giáo viên ở đó để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho học viên.
2) Kiệt sức: Bạn có cảm thấy cần một cốc cà phê hay giấc nghỉ ngắn sau khi tập yoga? Có thể bạn đã bỏ ra qua nhiều sức lực và căng thẳng trong lớp. Kiệt sức nhiệt từ lớp yoga nóng có thể lấy đi chất điện giải và natri của bạn. Nếu bạn thấy chóng mặt, mệt mỏi, yếu ớt và buồn nôn, bạn có thể đang bị kiệt sức do nhiệt. Mệt mỏi là dấu hiệu cho thấy bạn lạm dụng sức cơ thể quá nhiều trong lớp tập.
Khắc phục: Hãy di chuyển ở tốc độ của bản thân. Các tư thế Hero hay tư thế em bé là những tư thế hồi phục tuyệt vời để lấy lại năng lượng. Đừng ngại phải nghỉ hoặc rời phòng tập nếu cần khôi phục hơi thở hay năng lượng. Nếu bạn thấy đau nhức hoặc tăng lượng lactic acid, hãy nghỉ yoga vài ngày để hồi phục. Uống thật nhiều nước và ngủ nghỉ đủ giấc.
3) Ganh đua: Mọi người đị tập yoga vì nhiều lý do; một số muốn có thân hình 6 múi trong khi người khác tìm kiếm sự bình yên nội tại. Nhiều người đi tập yoga như một hình thức thể thao và tiếp cận nó với tinh thần cạnh tranh. Nếu bạn cảm thấy áp lực trong lớp yoga hay nỗ lực quá mức, bạn đã bị nhiễm từ trường ganh đua trong lớp rồi đấy. Môi trường này chẳng an toàn hay có tính nuôi dưỡng. Môi trường cạnh tranh gây ra việc gắng sức quá mức, chấn thương và kiệt sức. Điều đó thường bị ảnh hưởng bởi giáo viên đứng lớp.
Khắc phục: May hoặc không may, bất cứ ai cũng có thể là giáo viên yoga. Chỉ cần vài nghìn đô la là người ta sẽ được cấp giấy chứng nhận. Giáo viên cũng là con người. Các huấn luyện viên yoga có thể hơi bị giả định quá mức mà điều chỉnh hoặc đẩy học viên vượt quá ngưỡng chịu đựng. Bạn không đi học để làm vừa lòng giáo viên. Nếu bạn cảm thấy mình bị thúc ép đến mức căng hay đau đớn, quan trọng là hãy nói ra và thảo luận trải nghiệm của bạn. Hãy nói những gì đơn giản như là “đau quá” cũng đủ để giáo viên chú ý và dừng lại.
4) Cứng nhắc và trì trệ: Bạn có đang thực hành đi thực hành lại một chuỗi động tác không? Hoặc xem đi xem lại một DVD hướng dẫn tập yoga? Nếu như vậy, bạn có thể đang hạn chế khả năng phát triển và tăng cường dẻo dai ở những vùng chưa được tập luyện. Việc đó có thể tạo ra sự cứng nhắc và thậm chí trì trệ trong cơ thể bạn bởi những chuyển động lặp đi lặp lại. Albert Einstein nói định nghĩa của sự điên rồ là làm đi làm lại điều gì đó mà lại trông chờ những kết quả khác nhau.
Khắc phục: Tự thách thức bản thân bằng cách di chuyển khỏi vùng an toàn. Nếu bạn thích những bài tập dữ dội, hãy kết hợp với bài thực hành nhẹ nhàng luân phiên. Trong khi sự kỉ luật và tận tụy có thể mang đến kết quả tốt đẹp trong thực hành yoga, nhưng đừng mắc kẹt ở một trường phái yoga. Một vài người trở nên cứng nhắc và khắc nghiệt trong việc tập luyện. Mọi người quá chú trọng vào định tuyến, họ bỏ qua dòng chảy quan trọng của cơ thể. Hãy cẩn thận khi là một yogi có tính cách phát xít. Thực hành yoga thực thụ thúc đẩy thái độ trôi chảy, linh hoạt và hài hòa.
5) Ảo tưởng tinh thần: Có đôi khi bạn đến lớp và tự hỏi đây có thực sự là yoga không? Hay bạn nghi ngờ tính trung trực của giáo viên? Kênh “Shit New Age Girls Say” có 1.4 triệu lượt xem trên youtube. Đây là kênh nhại về sự giả tạo tinh thần. Ai cũng có thể sử dụng tâm linh để biện minh cho hành động của mình. Đó gọi là cái tôi tinh thần. Các giáo viên yoga và các bê bối tình dục khá phổ biến. Một số giáo viên được cho là lạm dụng quyền lực của mình để chạm học viên một cách không thích hợp.
Khắc phục: Dùng trực giác của mình để đánh giá giáo viên hoặc lớp học có phù hợp với mình không. Không đặt giáo viên lên bệ thờ. Hỏi bản thân điều bạn mong nhận được nhất từ thực hành yoga. Giáo viên yoga của bạn có thành thật, và sống trung thực như những gì họ nói không? Thực hành yoga bổ sung thêm cho cuộc sống của bạn hay lấy đi cái này hay cái khác? Hãy đi theo những gì bạn cho là phù hợp.
Mục đích của yoga là giải thoát, không ràng buộc. Các tư thế chuẩn bị cho bạn thiền để bạn có thể ngồi yên và nhận ra sự thật bản thể của mình. Sống thật với mình và thực hành trung thực là điều cần thiết để có được bài thực hành yoga cân bằng. Hãy thử nhiều trường phái và giáo viên cho đến khi tìm được thứ phù hợp với mình nhất. Hãy tỉnh thức. Lắng nghe bản thân, và tin tưởng trải nghiệm của mình. Nếu bạn cảm thấy tiêu cực, áp lực hay bị đau, dành thời gian xem xét và cân nhắc hành động yêu thương nào mình có thể thực hiện để có được trải nghiệm yoga lành mạnh.
“Một tâm trí thoát mọi xáo trộn là Yoga.” – Kinh Yoga của Patanjali.
Nguồn: Huffpost
Dịch bởi Yogavietnam