Tôi đã tập chuỗi sơ cấp một năm ba tháng và đang bắt đầu hành trình luyện tập chuỗi trung cấp. Tôi thường tập với thầy Tony khi ở Việt Nam. Gần đây, khi sắp xếp được thời gian tôi quyết định thực hành tại trung tâm Ashtanga ở Bangkok (Ashtanga Yoga Center in Bangkok – AYBKK) với thầy Boonchu Tanti và nhóm cộng tác của thầy và có một vài trải nghiệm tôi muốn chia sẻ lại quá trình luyện tập của mình.
1. Những lầm tưởng
Tính hài hước: Những gì tôi thường thấy ở các giáo viên Mysore là sự nghiêm túc khi họ đứng lớp và chỉnh sửa. Tuy nhiên, không phải lúc nào họ cũng nghiêm khắc, tôi có cơ hội chứng kiến sự hài hước ở AYBKK. Thầy Boonchu rất hay đùa học viên lớp Led Primary bằng cách giả vờ nhầm lượt đếm khi cả lớp đang gắng sức giữ tư thế Navasana (Tư thế con thuyền) lần thứ tư, thầy vừa đếm vừa an ủi: “Các bạn cố lên, còn hai lần nữa thôi”. Đâu đó trong lớp có tiếng cự cãi như nhắc thầy chỉ còn lượt cuối thôi, thầy làm bộ như sực tỉnh và nói tiếp: “À ok, ok, còn một lần, một lần”.
Thúc ép việc luyện tập: Có một vài người bạn nói với tôi rằng phong cách ở AYBKK là ép học viên luyện tập, điều này sẽ xảy ra hai trường hợp, nếu bạn theo kịp sự thúc ép đó thì việc thực hành của bạn tiến bộ rất nhanh, hoặc ngược lại sẽ làm bạn bị chấn thương. Có chút gì đó mâu thuẫn bên trong tôi khi nghe điều này. Tất nhiên tôi có chút kỳ vọng rằng mình sẽ tiến bộ khi tập ở đây nhưng phải trả giá bằng chấn thương thì hẳn là không nằm trong mong muốn của tôi. Thực tế không hẳn vậy.
Cá nhân tôi khi thực hiện ngả sau (drop back), giáo viên yêu cầu tôi thẳng gối khi nắm cổ chân nhưng gối của tôi vẫn chưa thẳng được, sau đó giáo viên đã cho tôi một lựa chọn khác là hoặc tôi chỉ để tay cham gót chân hoặc họ vẫn cho tôi nắm cổ chân nhưng hỗ trợ nâng ngực và đỡ lưng dưới của tôi chứ không quá ép phải thực hiện bằng được việc thẳng gối. Một bạn đã nói với tôi rằng bạn thích giáo viên thúc ép vì giúp bạn nhận ra bạn có thể vào một tư thế sâu hơn và dễ hơn chứ không phức tạp như bạn nghĩ trước đó. Một trường hợp khác, khi một giáo viên của AYBKK muốn chỉnh sửa động tác của một bạn theo định tuyến (bạn này từng tập luyện Mysore một vài năm với Sarath ở Ấn Độ) đã trả lời giáo viên rằng bạn đang làm tốt nhất theo khả năng của bạn, mà không hoàn toàn thực hiện theo chỉnh sửa của giáo viên.
Ở AYBKK giáo viên luôn nhìn ra được điểm giới hạn và điểm tới hạn của mỗi học viên, từ đó họ yêu cầu mỗi người luyện tập hết mức khả năng mà học viên có thể trong sự giám sát và hướng dẫn tập luyện an toàn của họ. Sẽ tùy sự thích ứng và sẵn sàng của cơ thể mỗi người mà học viên làm theo hoặc không.
AYBKK toàn siêu nhân: Điều này đúng nếu bạn nhìn vào những hình ảnh trên các trang mạng xã hội của AYBKK. Nào là lớp Led Intermediate (chuỗi trung cấp), nào là những hình ảnh chỉnh sửa các động tác nâng cao, các clip về jump back, jump through thật điệu nghệ … Đó là những hình ảnh đẹp mà đội ngũ AYBKK muốn bạn thấy. Thực tế họ đã không trưng lên Instagram hay Facebook những khung hình, góc ảnh khác cũng đẹp và đời không kém … chính là sự đa dạng – nét đặc trưng của một lớp Mysore. Có nhiều người và nhiều độ tuổi khác nhau tập luyện ở đây, họ có thể tập chuỗi trung cấp hoặc cao cấp nhưng cũng có những người chỉ mới biết về khái niệm Ashtanga Mysore được vài ngày, đang phải bắt đầu với 15 vòng chào mặt trời A và 10 vòng chào mặt trời B hay chỉ là đang dừng lại ở các tư thế đứng của chuỗi sơ cấp.
2. Những bài học
Mỗi ngày tập luyện bạn sẽ học được rất nhiều điều, có thể là học những quy tắc ứng xử trong phòng tập như bạn không nên trải thảm ở hàng cuối cùng (trường hợp shala không quá đông) vì đó là hàng để những người hoàn thành sớm sẽ di chuyển xuống dưới tập chuỗi động tác kết thúc và nằm nghỉ ở đó. Có thể học từ việc điều chỉnh khuỷu tay, chân, hông, vai … để việc vào một tư thế hiệu quả nhất hay đến những nhắc nhở để bạn học bài học lớn. Tôi gặp trở ngại trong việc luyện tập hai động tác là Supta Kumasana và drop back. Mỗi lần thực hiện hai động tác này tôi đều chật vật và khổ sở dù được giáo viên hỗ trợ. Trong một lần làm Supta Kumasana tôi không thể vắt chân qua khỏi đầu mình được, thầy Boonchu đã hướng dẫn tôi chỉ dừng lại ở Kumasana 30 hơi thở vì cơ thể tôi ngày hôm đó chưa sẵn sàng.
(ảnh minh họa)
Một lần khác khi drop back tôi nói tôi cảm thấy bị đau lưng dưới, lần này cũng vẫn là thầy Boonchu đã nói với tôi: “It’s your fear make you hurt”, chính nỗi sợ làm bạn đau. Người thầy mà tôi đang tập ở Việt Nam đã từng nhắc tôi điều này nhưng với một cách nói khác nhẹ nhàng hơn, có thể, vì thế mà tôi chưa nhận ra chân lý: Tôi có nỗi sợ khi làm các động tác đảo ngược nên hay gồng cứng cơ thể. Chính nỗi sợ phản bội lại cơ thể tôi.
Đôi khi học thích nghi với sự chưa sẵn sàng của cơ thể hay với nỗi sợ của bản thân sẽ làm bạn trưởng thành hơn trong tập luyện.
3. Quan hệ thầy trò
Ở AYBKK, lớp Mysore buổi sáng thường dao động từ 30 đến 40 người tập hoặc hơn, có hai giáo viên hướng dẫn, lớp buổi tối ít học viên hơn với một giáo viên hướng dẫn. Tuy vậy họ vẫn duy trì được nét đẹp truyền thống của phong cách Mysore đó là giữ được mối quan hệ giữa thầy và trò.
Tôi thích cái cách mà thầy Boonchu thỉnh thoảng kết nối với học trò của mình bằng những thông báo ngắn gọn khi kết thúc mantra mở đầu như: “Mai là ngày trăng chúng ta nghỉ” hoặc “Thầy tổ chức workshop ở Việt Nam một tuần hẹn gặp lớp tuần sau” hay là “Thầy có tin tốt lành cho lớp là tháng tư tới guru Sarath sẽ qua Thái để mở workshop, ngày thầy sẽ thông báo sau”.
Những trao đổi khác trong shala thường là cách hướng dẫn tập luyện. Những học viên mới tại AYBKK sẽ nhận được sự hỗ trợ tuyệt đối từ giáo viên trong tuần đầu tiên. Qua những tuần tiếp theo, khi bạn không còn là “ma mới” nữa, bạn sẽ nhận được sự quan tâm ít hơn vì giáo viên muốn tạo điều kiện cho bạn trải nghiệm sự tự thực hành, dù vậy, họ vẫn luôn quan sát để nhắc bạn hoàn chỉnh động tác khi cần vì họ đã nhớ được những ưu điểm hay những trở ngại mà học viên cần hỗ trợ hay chỉnh sửa.
Như đã nói ở phần đầu giáo viên ở AYBKK luôn có sự thông minh quan sát để biết học viên gặp thách thức ở các tư thế nào để giúp đỡ họ. Khi cần truyền đạt thêm họ có thể sẽ dừng lại và giải thích một cách ngắn gọn, thẳng thắn và xúc tích để người tập hoàn thiện mình hơn. Cũng có khi giáo viên bận hỗ trợ một người tập khác họ sẽ sắp xếp nói chuyện với bạn khi bạn đã hoàn thành xong bài và đang lúi húi… cất thảm.
4. Những nét đẹp ngoài luyện tập
Shala ở tầng 8 của khách sạn S31 nhưng xung quanh rất nhiều cây và có khoảng không gian thoáng mát. Thỉnh thoảng, bạn sẽ thấy thật thơ mộng khi trong lớp có lá vàng rơi hay khi làm động tác chó úp mặt (Downward facing dog) bạn có chút gian lận thay vì chú ý nhìn vào rốn thì bạn có thể hướng mắt để nhìn hàng cây phía sau và phát hiện có vài chú họa mi đang ở đó.
Một nét đẹp khác mà tôi rất thích ở AYBKK đó là … nhìn mọi người lau thảm. Có hai chai dung dịch vệ sinh thảm, một màu trắng có mùi và chai còn lại là nước. Mỗi người tập xong đều lần lượt dùng hai chai này để lau thảm, ai cũng rất chăm chút và tỉ mỉ vệ sinh thảm của mình, nhìn cách họ lau thảm như đang chăm sóc một người bạn đồng hành thân thiết.
Nét đẹp khác mà thật lâu tôi mới được tận hưởng đó là có bạn từ Việt Nam qua thăm và tập cùng. Cảm giác khi đang vặn mình thực hiện Maricasana B hay D nhìn sang bên cạnh thấy gương mặt thân quen của bạn mình vẫn hay tập cùng ở Việt Nam sao ấm áp lạ.
Những tuần tập luyện cuối ở đây tôi không còn sợ ngả sau nữa và cũng đã có thể gác chân qua khỏi đầu (dù vẫn khá khó khăn). Tất cả những khoảnh khắc đẹp, những lầm tưởng hay những trở ngại thì trên hết tôi luôn cảm thấy biết ơn quãng thời gian tập luyện ở đây. Biết ơn sự tận tình của những giáo viên đã chỉ dạy cho tôi, biết ơn những người bạn mới, biết ơn những bài học, biết ơn cả những nỗi sợ, nỗi buồn khi không thực hiện được các động tác mà mình mong muốn. AYBKK, biết ơn vì đã cho tôi ký ức đẹp.
Hy vọng sẽ có nhiều người ở Việt Nam nhận ra những điều thú vị từ Ashtanga và phong cách tập Mysore như tôi. Hẹn gặp bạn trên thảm tại một lớp Mysore nào đó và được nghe những trải nghiệm của riêng bạn.
Tác giả: Hiếu Trần
Ashtanga Yoga Center of Bangkok
Địa chỉ: 545 – S31 Sukhumvit Hotel, Watthana, Bangkok, Thailand