Yoga là một phần không thể thiếu trong chế độ tập luyện của nhiều người. Các học viên học yoga tại studio hoặc phòng gym trong khu vực, xem các hướng dẫn qua video tại nhà và mua sách để mở rộng kiến thức. Con người trên khắp thế giới yêu thích lợi ích sức khỏe, tâm thần và tinh thần mà yoga đem lại. Trong khi yoga đã được lưu truyền và tập luyện tại phương Đông trong suốt hàng thế kỷ, nó chỉ bắt đầu được giới thiệu tại phương Tây trong thế kỉ 20. Vậy nhóm nhạc the Beatles có liên quan gì đến việc môn nghệ thuật cổ đại này đột nhiên được phương Tây quan tâm?
Thật ra Yoga xuất hiện lần đầu tiên tại phương Tây là vào thế kỷ thứ 19. Đến đầu thế kỷ 20, yoga được biết đến như một triết lý phương Đông và bắt đầu phổ biến như một phong trào sức khỏe và ăn chay trong những năm 1930. Nhưng mãi đến năm 1960 thì yoga mới bắt đầu lan tỏa rộng khắp. Các yogis nổi tiếng Ấn Độ bắt đầu di cư đến phương Tây để mở rộng phạm vi giảng dạy. Cũng trong giai đoạn này nhóm nhạc the Beatles được giới thiệu đến yoga. Khi cả nhóm đang quay bộ phim “Help” ở Bahamas năm 1965, họ được gặp Vishnu-Devananda, người sáng lập Sivandana Yoga. Ông tặng cho họ những quyển sách ông viết với chữ ký của mình “The Illustrated Book of Yoga” (“Sách Yoga được minh họa”). Thành viên George Harrison đã bị cuốn sách này lôi cuốn và bắt đầu học yoga và tôn giáo phương Đông. Vợ của ông, Pattie Boyd, đã khuyến khích ông học thêm về huyền học phương Đông, triết lý Ấn Độ và trở thành người ăn chay trường. Năm 1966, Harrison đến Ấn Độ để học sitar, một loại đàn dây Ấn Độ từ huyền thoại Ravi Shankar.
Khi Harrison học ở Bombay, vợ ông Boyd nghe đến yogi Maharishi Mahesh, người sáng lập Transcendental Meditation (TM) (Thiền định siêu việt). Maharishi, sinh ra tại Mahesh Prasad Varma, có mong muốn làm thiền định trở nên dễ hiểu và thiết thực. Năm 1955, ông viết quyển sách đầu tiên “The Science of Being and the Art of Living (“Khoa học của sự tồn tại và nghệ thuật sống”) và bắt đầu dạy TM từ năm 1958.
Harrison và Boyd ấn tượng bởi lời giảng dạy của Maharishi và mua vé cho nhóm the Beatles có thể gặp ông ở London. Nhóm đã theo Maharishi đến Bangor, xứ Wales để học thêm về thiền định. Họ thậm chí còn đến viện của ông ở Rishikesh, Himalayas. Ở đây họ gặp các ngôi sao khác như nữ diễn viên Mia Farrow, ca sĩ Donovan và Mike Love của nhóm the Beach Boys.
Việc the Beatles đến Ấn Độ trở thành một tin tức chấn động thời bấy giờ. Cả thế giới quan tâm đến hiện tượng mới đang cuốn hút bốn gương mặt danh tiếng này. Lẽ dĩ nhiên, lúc này, the Beatles là cái tên khổng lồ trong văn hóa đại chúng. Nói đúng hơn là trong bất kì nền văn hóa nào.
Đây là giai đoạn mà cả thế giới theo dõi nhất cử nhất động của the Beatles. Hầu như những người nào dưới 35 tuổi cũng đều muốn giống hoặc làm gì đó mà the Beatles đang làm. Việc đột nhiên nhóm nhạc đến trú ẩn ở một ashram tại Ấn Độ, học yoga và thiền định từ một bậc thầy là điều hoàn toàn xa lạ và thật ngầu. Hành động này là một trong những tác động mạnh mẽ nhất đến sự phát triển của yoga ở thế giới phương Tây.
Nhóm the Beatles học thiền tại đây như một nhóm cho đến khi một vài thành viên bắt đầu mất hứng với TM. Nhưng sau khi John Lennon buộc tội Maharishi quấy rối diễn viên Mia Farrow, nhóm the Beatles cắt đứt quan hệ với vị sư phụ này. Các cáo buộc quấy rối không được kiểm chứng và không có án phạt nào, nhưng sự tình ít nhiều đã gây tổn thất. Những người ủng hộ Maharishi cho rằng việc chia rẽ không phải là lỗi của yogi, mà là do nhóm the Beatles sử dụng chất kích thích trong ashram. George Harrison là người duy nhất trong nhóm sau đó hòa hoãn lại với Maharishi.
Tuy nhiên, thời điểm này the Beatles đã chịu sự ảnh hưởng sâu sắc trong thời kỳ ở với Maharishi. Nhiều bản nhạc trong album White Album được truyền cảm hứng từ những lời dạy của yogi và từ trải nghiệm của họ với TM. Quãng thời gian 3 tháng tại ashram cũng là giai đoạn sáng tác năng động nhất của nhóm nhạc với 58 bài hát. Maharishi cũng nhận được lợi ích từ mối quan hệ này. Đến những năm 1970, hơn 5 triệu người đã tập TM (theo tạp chí Times). Truyền thông điên cuồng theo đuổi tin tức về sở thích mới của the Beatles đã giúp giới thiệu những từ vựng mới như mantra, guru, ashram và thiền định đến công chúng.
Nói thêm, Harrison là một Beatle, một ngôi sao nổi tiếng và có ảnh hưởng lớn, và đến khi nào ông còn quan tâm, yêu thích thì fan hâm mộ cũng làm theo. Nhiều người nói ông là người hướng dẫn tinh thần cho hàng triệu người; sau khi mất, tro cốt của ông đã được rải ở khu vực sông Hằng.
Tất nhiên the Beatles không phải là người duy nhất giúp Tây phương hóa yoga. Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ đọc thêm về những giáo viên và người thực hành yoga trứ danh.
Những người giúp phổ biến yoga đến phương Tây
Đã có rất nhiều người giúp mang yoga đến phương Tây bên cạnh nhóm the Beatles. Các yogis nổi tiếng như Sri Krishnamacharya, Swami Sivananda, Sri Yogendra và Swami Kuvalyananda đều đã cố gắng ứng dụng các bản văn yoga cổ đại vào văn hóa hiện đại. Họ cũng tin rằng triết lý Ấn Độ có thể cùng tồn tại với khoa học và y học phương Tây.
Các yogi này đã tạo kết nối với thế giới phương Tây. Tuy nhiên, chính những học viên của họ đã giúp truyền bá việc học yoga. Một số học viên của Swami Sivananda như Swami Satchitananda đã giới thiệu yoga đến Woodstock, Hoa Kỳ, và Swami Vishnu-devananda đã thành lập nhiều viện ashram khắp thế giới. Yogi có ảnh hưởng to lớn Bellur Krishnamachar Sundaraja Iyengar là một học viên của Sri Krishanamacharya.
B.K.S. Iyengar sinh năm 1918 tại Bellur, Ấn Độ. Ông từng là đứa trẻ mang đầy bệnh tật nhưng may mắn vượt qua được các căn bệnh cúm, tả, lao và thương hàn. Các bác sĩ cho rằng ông không thể sống quá 20 tuổi. Iyengar học yoga từ người anh rể Sri Tirumalai Krishnamacharya, người được cho là có công hiệnđại hóa Hatha yoga. Đến năm 1937, Iyengar đã có thể tự dạy yoga, với hi vọng có thể lưu truyền bộ môn mà ông tin rằng đã cứu sống ông.
Việc giảng dạy của Iyengar được truyền đến phương Tây khi ông gặp nghệ sĩ violon nổi tiếng Yehudi Menuhin năm 1954. Iyengar biểu diễn các tư thế yoga mà sau này được biết đến là các tư thế yoga Iyengar. Menuhin rất ấn tượng với Iyengar và bộ môn yoga nên ông đã sắp xếp cho Iyengar cùng du lịch với ông và truyền bá yoga. Năm 1966, Iyengar viết quyển sách “Light on Yoga”, trong đó mô tả và minh họa hơn 200 tư thế yoga. Ba triệu bản đã được bán hết tại thời điểm ấn hành. Năm 2004, tạp chí Time đã đặt Iyengar là một trong danh sách “100 người có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới” với vai trò mang yoga đến với phương Tây.
Nguồn: howstuffswork
Dịch bởi Yogavietnam