Nếu bạn chưa từng nghe đến thì Yin yoga là là một thể loại yoga mà bạn cần vặn chuyển thân mình vào một tư thế căng duỗi mạnh mẽ và cố gắng thả lỏng trong tư thế đó trong 5 phút hoặc hơn. Một trong số các học viên của tôi đã thân thương gọi đó là “Gian phòng tra tấn”.
Đó là một dạng thực hành rất sâu; nó có thể rất thư giãn, và đôi khi lại đầy cảm xúc đến mức khó tin. Nó được gọi là “Yin” đối nghịch với hầu hết các thể loại yoga mang tính “Yang” khác mà trong đó chúng làm căng, tăng cường và làm nóng cơ thể ở cách thức mang tính vận động hơn. Nếu Vinyasa yoga là vị thần Shri trôi chảy, đẹp mắt thì Yin yoga là phương pháp khám phá những bóng đen, sự tranh đấu và thậm chí sự hủy diệt của thần Kali. Nghe có vẻ vui nhỉ?
Đôi khi chúng ta đến với yoga để sắp xếp bản thân (hoặc giữ bản thân) lại với nhau. Đôi khi chúng ta đến với yoga vì chúng ta cần phải tách rời. Khi chúng ta sẵn sàng tan vỡ thành từng mảnh nhỏ, chúng ta có một chọn lựa làm sao có thể ráp từng mảnh cơ thể lại với nhau. Và như vậy chúng ta trở nên tươi mới.
Bạn thấy đó, khi bạn vào thế Chim bồ câu, một tư thế mở hông sâu, và phải giữ thế như vậy trong một lúc, vài điều có thể xảy ra. Bạn sẽ thấy khó chịu. Tâm trí của bạn kêu gào phải chuyển động, phải thay đổi cái gì đó, hoặc rời khỏi chỗ này ngay lập tức. Bạn sẽ thắc mắc liệu người thầy có quên mất mình không. Bạn sẽ cảm thấy nóng lên. Bạn sẽ thấy buồn. Bạn sẽ tức giận. Bạn sẽ thấy một ký ức đã chôn sâu đột nhiên xuất hiện trong tâm thức. Bạn sẽ tưởng tượng một cuộc chiến trong tâm trí mình. Bạn sẽ bắt đầu khóc. Bạn sẽ chán nản. Bạn sẽ bật cười. Bạn quyết sẽ đá vị thầy của mình ngay khi đôi chân có lại cảm giác.
Và đó bạn có thể thấy Yin yoga, theo một cách nào đó, là mô hình thu nhỏ của cuộc sống.
Và khi chúng ta đang ngồi đó chịu đựng những thăng trầm cảm xúc của tư thế Chim bồ câu, chúng ta cũng đang tập một kĩ năng sống cực kỳ hữu ích: sự phân biệt, hay còn gọi là viveka trong tiếng Sanskrit, là khả năng nắm bắt câu trả lời cho câu hỏi vĩnh cửu, tôi nên ở lại hay ra đi?
Nó vận hành như thế này: Chúng ta biết, trong yoga, sự khó chịu là bình thường. Sự khó chịu có thể tốt. Nó có nghĩa là chúng ta đã đi đến ngưỡng giới hạn – tôi tưởng tượng như là một hàng rào theo nghĩa đen nhé. Chúng ta có thể xem xét đường biên giới, nhìn nhận xem mình cảm thấy thế nào tại đó, và ghé mắt nhìn sang bên kia mà không cần phải nhảy qua phần hàng rào ngăn cách. Chúng ta có thể dạo chơi ở vùng không gian đe dọa làm lộ ra tầng lớp sâu hơn của bản thân ta, ngay cả khi tâm trí đang làm đủ trò nhằm kéo bạn lại vùng an toàn thoải mái, mặc cho sự thật là sự thoải mái duy nhất mà bạn thường tìm thấy là sự quen thuộc.
Còn cơn đau, mặc dù vậy, thì không ổn chút nào. Cơn đau là tín hiệu của cơ thể báo rằng có gì đó không an toàn. Bất chấp điều gì xảy ra trong tâm trí, cơ thể phát ra những cảnh báo làm cơ thể căng lên, răng nghiến lại, hơi thở nhanh hơn, và hệ thần kinh giao cảm điều chỉnh cơ chế chiến đấu hay bỏ chạy. Nếu điều này xảy ra, chúng ta cần rời bỏ. Rời khỏi tư thế, tìm tư thế mới, điều chỉnh lại dụng cụ hỗ trợ, hoặc rời phòng tập. Chẳng sao cả nếu bạn chưa sẵn sàng. Nhìn cái hàng rào sẽ cho ta nhiều thông tin, chúng ta không nhất thiết phải nhảy qua đó.
Đôi khi tôi nghĩ rằng những gì chúng ta thực hành trong yoga cũng là những gì xảy ra ngoài tấm thảm tập. Khi chúng ta phân biệt được sự khác nhau giữa cơn đau và sự khó chịu trong cơ thể, chúng ta cũng phân biệt được điều đó trong cuộc sống. Nó cho chúng ta một câu hỏi hay: đây là một mảnh vá không thoải mái mà tôi có thể hít thở qua nó và rút ra bài học từ đó, hay là đã đến lúc cần rời phòng tập/công việc/mối quan hệ/ thành phố này?
Phải rất can đảm để cho phép bản thân tồn tại trong giây phút hiện tai trong một môi trường không thoải mái. Rất dễ để làm tê liệt bản thân trong một tư thế bằng cách lẩm nhẩm đếm từng giây, suy nghĩ lên kế hoạch cho cả ngày, hoặc không ngừng di chuyển dụng cụ hỗ trợ. Chúng ta làm vậy mọi lúc trong cuộc sống – chúng ta lấp đầy lịch làm việc để không phải cô đơn với bản thân, chúng ta nhảy từ mối quan hệ này sang mối quan hệ nọ để không phải cô đơn với bản thân, hoặc chúng ta ăn nhậu, hút xách hoặc đổi việc, chuyển nơi ở liên tục để không phải cô đơn với bản thân.
Hàng rào của chúng ta có thể cho cảm giác nó to lớn và không thể vượt qua trong khi chúng ta chưa bao giờ thực sự quan sát nó. Việc dành vài phút một mình với bản thân và cơ thể bạn, lang thang trong vùng biên giới của mình, nghe có vẻ đáng sợ và đầy mạnh mẽ.
Rồi, một ngày, hàng rào ấy sẽ thu nhỏ lại, sẽ bớt đáng sợ. Rồi một ngày, bạn có thể nhảy qua nó.
Nguồn: spiritualityhealth.com
Dịch bởi yogavietnam