Cơ thể là một kho chứa mọi trải nghiệm mà ta từng có.
Chúng ta mang theo những cảm xúc dồn nén và chất chứa ký ức về chấn thương thể chất trong nhiều vùng khác nhau trên cơ thể mà không hề hay biết. Thực tế, ta có thể sống hàng năm trời, thậm chí hàng chục năm, không nhớ tới phần năng lượng bế tắc mà cơ thể đang lưu giữ. Thứ năng lượng dồn nén này dẫn tới tình trạng sức khỏe ốm đau mãn tính khổ sở. Tuy nhiên có một sự thật không thể chối cãi là thân thể ta luôn ghi nhớ.
Trong cuốn hồi ký “Yoga vì cuộc sống”, Colleen Saidman Yee chia sẻ những tư thế yoga giúp giải phóng sự âu lo và chấn thương ra khỏi từng phần cơ thể. Colleen là một giáo viên yoga người Mỹ, một “yoga celebrity” nổi bật. Hành trình trở thành “quý cô hàng đầu yoga” của Colleen không hề đẹp đẽ. Cô lớn lên tại vùng Indianna nghèo khó, từng nghiện heroin, trải qua hai cuộc ly hôn, và một tai nạn xe hơi năm 15 tuổi đã khiến cô gãy xương đòn, rạn sọ, tổn thương não bộ. Sự cố này cũng có thể là nguyên nhân của chứng động kinh mà đến tận bây giờ Colleen vẫn phải chịu đựng.
Trong cuốn sách của mình, Colleen bày tỏ “Tai nạn năm 15 tuổi khiến tôi thông cảm nhiều hơn với những thương tổn dù lớn hay nhỏ mà các học viên từng trải qua. Nhiều lúc, tôi có thể thấy nơi mà tổn thương đang ẩn chứa trong cơ thể họ, tôi cố gắng hình dung ra các chuỗi tư thế giúp cơ thể được xoa dịu và giải tỏa. Các chấn thương có thể biểu hiện dưới sự căng thẳng, lo âu, hay bệnh tật. Một số vùng phổ biến thường bị bó lại như vùng chậu, cơ hoành, cổ, hàm, cơ gân khoeo, hai vai và cổ.”
7 phần thân thể lưu giữ tổn thương + Các tư thế để giải phóng
Colleen gọi trạng thái sau khi giải tỏa những khu vực trên thân thể khỏi “sự mắc kẹt” là “sự tự do khỏi những dấu ấn và chướng ngại bị giữ lại trong cơ thể”
HÔNG CHẬU – Tư thế Bướm
Tư thế Bướm, là tư thế hữu hiệu giúp giải phóng phần chậu. Chúng ta thường bó chặt vùng chậu khi cảm thấy bị đe dọa. Ta cần adrenaline khi thực sự trong tình huống nguy hiểm, nhưng cảm xúc đó có thể trở thành một lề lối mặc định khiến ta kiệt sức. Tư thế này thả lỏng hông, có thể giữ an toàn từ 5 – 10 phút.
CƠ HOÀNH – Tư thế Ao
Siết cơ hoành là kết quả của sự hoảng sợ. Duỗi cơ thể trong tư thế Ao kéo dài ổ bụng và mở ngực giúp cơ hoành chuyển động dễ dàng hơn. Khi hơi thở tự do, hệ thống thần kinh dịu lại và ta cảm thấy đỡ bức bối hơn.
LÀM THỬ: Nằm ngửa, duỗi dài cả hai chân, áp cả hai đùi xuống sàn. Làm dài phần thắt lưng bằng cách di chuyển khung sườn ra xa hông. Duỗi hai cánh tay qua đầu, giữ thẳng và với tới thật khỏe khoắn đến khi cảm thấy có một sức hút, hay một cái “ao” ở bụng.
HỌNG – Tư thế Chó ngửa mặt
Cổ họng bị khóa khi ta kìm lại những gì cần phải nói ra (giống như bị “tắc” họng). Tư thế Chó ngửa mặt lưu chuyển năng lượng thanh tẩy từ Trái đất tới cổ họng thông qua sức mạnh của hai chân và vòng cung cột sống, xối tan những phần tắc nghẽn.
QUAI HÀM – Tư thế Sư tử
Khớp hàm, tên gọi khác là khớp thái dương – hàm (TMJ) rất khỏe, và thường có xu hướng đóng lại khi ta cố gắng kìm chế những thôi thúc hay khao khát. (Tôi đang không nói về tình trạng trầm trọng của khớp hàm, mà muốn đề cập tới tình trạng có nguyên nhân phát sinh từ cảm xúc). Khi hàm bị khóa cứng, hông cũng dễ bị khóa lại. Ta thấy như bị đông cứng lại. Mở rộng miệng và đẩy mạnh lưỡi ra hết sức khi ta hít thở trong tư thế Sư tử, phần hàm mở ra hoàn toàn, giúp giải phóng căng thẳng tại đây.
GÂN KHOEO – Tư thế Kim tự tháp
Chúng ta thường cảm thấy có tội khi “chạy trốn” khỏi những cảm xúc khiến ta không thoải mái hay sợ sệt. Cơ gân khoeo là một khu vực quan trọng của cơ chế chiến-hay-chạy. Nhiều người kể rằng họ níu giữ sự tiếc thương ở khoeo chân, đó là một trong những cảm xúc khó khăn nhất khiến ta không thể kết nối với hiện tại. Tư thế Kim tự tháp giải phóng cơ gân khoeo và co cơ đối vận là cơ tứ đầu đùi.
VAI – Tư thế xoay vai
Gánh vác quá nhiều trách nhiệm có thể khiến đôi vai căng cứng cảm giác như thể khối bê tông vậy. Chuyển động cánh tay và vai giúp mở khóa trạng thái căng thẳng này. Tại Nước Ý, quê nội của tôi, mọi người hiểu rằng hai cánh tay là một phương tiện để bày tỏ trái tim.
LÀM THỬ: Đứng trong tư thế Trái núi, và xoay hai cánh tay lên xuống, từ bên này sang bên kia.
CỔ – Tư thế Đầu đứng
Đầu con người có khối lượng trung bình từ 3.5 – 4.5 kg, nên giữ sức nặng của đầu là một công việc vất vả. Trong khi đi lại, nhiều người chúng ta chúi đầu ra trước thân trên, tạo ra căng thẳng, thay vì di chuyển từ bàn chân hoặc hông. Trong tư thế Đầu đứng, chúng ta buộc phải giữ đầu thẳng hàng với cơ thể. Đứng bằng đầu cải thiện trục định tuyến của toàn cơ thể, trong khi làm mạnh các cơ vùng cổ. Xoay toàn thân từ trên xuống dưới đồng thời cho bạn một góc nhìn mới. Vì bạn phải giữ tập trung, kết nối với hiện tại khi bạn đang thực hiện một tư thế đảo ngược như đứng bằng đầu, bạn không thể nào lo lắng về tương lai hay chìm đắm trong quá khứ.
Nguồn: YogaJournal
Dịch: YogaVietnam