Trong cuộc sống cũng như khi thực tập yoga, ta cần sẵn sàng ý chí ở một mức độ nhất định nào đó. Tuy vậy, sự quyết chí dư thừa tạo ra căng thẳng. Tìm kiếm cân bằng giữa quyết tâm và chấp nhận trong đời sống chính là những gì ta học được từ việc rèn luyện yoga.
Một số người đến với yoga như sự nghỉ ngơi tách biệt khỏi thế giới, giống như một không gian riêng tư nơi họ có thể phục hồi khỏi những áp lực và căng thẳng cuộc sống. Khi đã hàn gắn lại từng mảnh của bản thân, họ mới có thể trở về với gia đình và công việc một cách thật tươi mới. Theo tôi việc này là chính đáng, nhưng nó lại không phải là kiểu trải nghiệm của tôi. Tôi tìm đến yoga với một quan niệm rằng mình đang học hỏi điều gì đó có thể kết hợp với đời sống cá nhân. Theo thời gian, tôi dần hiểu ra rằng cuộc sống này tự thân nó đa phần là một cơ hội để thực hành, để tiến tới trải nghiệm toàn diện. Những bộ môn thực hành cổ xưa như yoga và thiền định cho chúng ta môi trường nuôi dưỡng, an toàn mà ở đó ta có được sự vững vàng và năng lực để hỗ trợ quá trình này.
Ví dụ, vào tuần trước trong khi tôi đang dạy một lớp yoga theo chủ đề tập luyện không căng thẳng, sự liên hệ giữa yoga và cuộc sống bên ngoài nổi bật lên một cách tự nhiên. Chúng tôi bắt đầu với tư thế Chó úp mặt (Adho Mukha Svanasana). Đầu tiên, các học viên được hướng dẫn ấn mạnh hai bàn tay xuống sàn, cảm nhận sức căng liên đới tới các cơ vùng vai, và nhận biết khi họ ép cơ thể thực hiện tư thế thì sự căng thẳng tương đương cũng bị mang vào tư thế. “Chỉ thực hiện tư thế mà không thêm vào bất cứ thứ gì”, tôi nhắc đi nhắc lại. Kế tiếp, tôi cho học viên đặt bàn tay nhẹ nhàng trên thảm, như thể sẵn sàng nâng người khỏi sàn bất cứ lúc nào, và chứng nghiệm hành động này cũng tạo ra sức căng lên cơ vai và cổ khi ta chống đẩy vào tư thế Chó úp mặt. Những thí nghiệm này là để kiểm chứng xem khi ở trong một tư thế hoàn thiện thì ta có thể bỏ đi những căng thẳng tăng thêm hay không. Đó là một lớp tập hỗn hợp giữa trình độ của học viên và sự linh hoạt bẩm sinh, tuy vậy cho đến cuối buổi, hầu hết các học viên dường như đều kết hợp được ý tưởng này vào sự thực hành của họ.
“Hãy quan sát một giáo viên cao cấp thực hành tư thế của họ. Có một điều dễ nhận thấy đó là họ thư giãn trong thân thể, dường như không cần nỗ lực một chút nào. Dù họ có thúc bạn phải cố gắng nhiều bao nhiêu, thì những giáo viên đó không hề có ý ép bạn phải gồng lên. Hành động đó là bạn đã tự thêm vào, vì tâm trí mong cầu tham gia. Cứ để thân thể làm việc. Một phần lớn ý nghĩa của yoga nằm ở việc ta học cách thoát khỏi những lối mòn của riêng mình”. Sau đó tôi chỉ ra, điều chúng ta thực sự muốn học đó là làm thế nào để tích hợp thực hành yoga vào quãng đời còn lại và phản hồi thích hợp với những thử thách cuộc sống mà không bổ sung căng thẳng. Chính cấp độ này sẽ đưa yoga trở thành một bộ môn thực hành sâu sắc thực thụ. Bạn có thể đang có nhiều áp lực và quay trở lại kinh nghiệm bàn chân tiếp chạm trên sàn như một khoảnh khắc thực hành tư thế Trái núi (Tadasana); hay bạn gặp phải một sự thất vọng lớn lao, và đánh rơi nó trong hơi thở, để nhận ra đó cũng chỉ là một khoảnh khắc thực hành, cho phép hơi thở đưa cảm xúc này xuyên qua cơ thể.
Cứ thong thả
Ý tưởng về việc không tạo thêm căng thẳng là một nguyên tắc phổ quát. Khi dạy về thiền phật giáo Vipassana, môn thực hành chánh niệm trong từng khoảnh khắc, tôi nhấn mạnh rằng tâm trí chỉ có thể nghỉ ngơi trong kinh nghiệm của sự nhận biết, cũng giống như hai mông nghỉ ngơi trên nệm thiền. Khi nghỉ ngơi thì không cần thiết phải có bất cứ liên hệ nào với cái “Tôi” cả; sự nhận biết chỉ nổi lên trong tâm trí. Thiền nhân sau đó đưa sự chú tâm sang quan sát hơi thở, điều tương tự xảy ra: Hơi thở vào xuất hiện, diễn biến trong một khoảng thời gian, rồi kết thúc; hơi thở ra tuân theo cùng một khuôn mẫu như vậy. Theo thời gian người hành thiền có khả năng kinh nghiệm nhiều khoảnh khắc trên nệm thiền mà không có chút căng thẳng nào tự thêm vào, không bị thu hẹp lại bởi ý tưởng về một cái tôi cứng nhắc bất biến. Sau cùng sự hiểu biết trải ra trong từng khoảnh khắc thường nhật của cuộc sống. Khi không còn căng thẳng thêm vào, thì sẽ có cơ hội cho giải phóng, để đơn giản hiện hữu với những gì đang xảy ra lúc đó. Điều này tương đương với khái niệm trong Thiền tông có tên “Sơ tâm” – tâm của người mới bắt đầu, và nó cũng ứng dụng trực tiếp với thực hành yoga.
Gần đây, khi được cùng thầy Tony Briggs tham gia một workshop 2 ngày với thầy Shandor Remete, tôi đã trải nghiệm việc căng thẳng luồn lách vào từng tư thế của mình như thế nào. Shandor là một giáo viên truyền cảm hứng và khắt khe, khi đó tôi đã nỗ lực hết mình trong mỗi tư thế. Tôi liếc qua phía Tony và thấy cơ thể của thầy, trong khi hoàn toàn tập trung trong tư thế, dường như lại rất thoải mái; không hề có bất cứ căng thẳng nào thấy được bằng mắt. Đầu tiên tôi phân vân, “Tại sao thầy không tập mạnh mẽ lên?” Thế là tôi cứ lén quan sát thầy mãi đến khi cuối cùng cũng nhận ra sự thật: Thầy ấy chỉ đang đi vào tư thế. Ngược lại, tôi thì đang phải trải qua sự đè nén gây ra bởi những căng thẳng mà mình tự thêm vào khi thực hành. Sau đó khi tôi hỏi Tony làm thế nào mà thầy giữ tư thế thoải mái đến thế, thầy dẫn lời của giáo viên đầu tiên, Judith Lasater, nói rằng có một sự khác nhau giữa “hành động” – thực hiện tư thế và “ma sát” – những nỗ lực không cần thiết.
Xin đừng nhầm lẫn giữa việc không tạo thêm căng thẳng với chỉ thực hành tư thế hời hợt. Dĩ nhiên bạn cần phải làm việc với cánh tay trong tư thế Chó úp mặt. Nhưng đừng tạo áp lực lên cánh tay, vai, hay lưng để làm khỏe chúng; thay vào đó hãy đặt sự tỉnh thức lên xương, cảm nhận khung xương đang cho ta sự vững vàng, và cho phép hệ thần kinh ở trạng thái trung lập. Duy trì sự trung lập đó khi dùng cơ bắp chống đẩy vào tư thế Chó úp mặt. Sau đó chỉ kích hoạt những cơ cần thiết, đưa khung chậu xa vai nhiều hơn, tạo ra không gian giữa xương chậu và xương đùi, giữa đỉnh chậu và khung sườn. Bạn sẽ khám phá ra rằng bạn có thể tạo ra nhiều không gian hơn nữa trong cơ thể và giữ tư thế lâu hơn. Làm thế nào để biết ta thực hiện có chính xác không? Một giáo viên khác của tôi, Ramanand Patel, sẽ yêu cầu học viên quan sát hơi thở; nếu hơi thở không dễ dàng di chuyển, có nghĩa là tư thế đang có chỗ bị co thắt.
Chuyển thành Trung tính
Một câu hỏi đặt ra cho tất cả chúng ta là, “Nói chung trong yoga và cuộc sống, dùng ý chí nỗ lực như thế nào là phù hợp?”. Một mặt, ta cần một mức độ ý chí nhất định để thực hành, cụ thể ở đây là phát triển sự thực hành yoga, trong cuộc sống cũng vậy. Mặt khác, lạm dụng ý chí một cách dư thừa sẽ tạo ra căng thẳng không mong muốn. Tìm kiếm sự cân bằng giữa ý chí và chấp nhận là một phần ý nghĩa mà bạn sẽ học được từ luyện tập yoga, nó cũng giống như bạn học cân bằng giữa cái đau và thư giãn vậy. Một trong những lợi ích của tập luyện yoga chính là bạn bắt đầu phát triển thứ nghệ thuật mang tính trực giác của việc tìm kiếm cân bằng trong bất cứ tình huống sống nào.
Một cách tiếp cận khác đối với câu hỏi này chính là phân biệt sự khác nhau giữa ý định và cố chấp. Ý định là đặt ra một phương hướng cho bản thân về hoạt động hay hành động trong cuộc sống, và nắm giữ nó đồng thời như một viễn cảnh hay kết quả, để ý định thể hiện như niềm hứng khởi cũng như một chiếc bản đồ dẫn dắt. Nhiều cuốn sách về “trò chơi bên trong” của các môn thể thao khác nhau đã tận dụng được quan điểm này. Cố chấp là sự cương quyết vượt qua bất cứ kháng cự nào. Sự khác nhau giữa ý định và cố chấp trong bối cảnh này đó là ý định bao hàm sự linh hoạt và nhẹ nhàng, trong khi đó cố chấp là tuyệt đối, kiên định, và cứng nhắc. Cả ý định và cố chấp đều đáng mong ước, nhưng với sự thực hành yoga và cuộc sống, ý định là thứ cân bằng hơn, lành mạnh hơn. Nhắc lại, bạn có thể học bằng cách thử nghiệm sự phân biệt này từ phòng tập yoga và rồi đưa nó trở lại cuộc sống; điều này khiến yoga trở thành môn thực hành thật thâm thúy.
Để khám phá sự trung lập cho bản thân, bạn hãy thử thí nghiệm sau đây. Thực hiện tư thế Tam giác (Trikonasana), và khi bạn gập nghiêng người qua một bên, tập trung tâm trí vào trải nghiệm thân thể của riêng mình. Nhìn xem liệu bạn có đang khiến bụng dưới căng thẳng khi bắt đầu động tác gập. Người hướng dẫn bạn có thể đã dẫn dắt suốt hàng tháng trời về việc đừng làm phần bụng cứng lên khi gập người, và bạn chưa bao giờ nắm bắt được ý nghĩa đó trước đây. Nếu vẫn chưa đủ rõ ràng liệu bạn có đang gồng siết hay không, hãy thử dụng ý siết căng bụng khi gập, cảm nhận xem việc duỗi và vặn xoắn cột sống với một cái bụng căng cứng sẽ khó thế nào. Sau đó làm ngược lại và nhìn xem khả năng lưu động tăng lên như thế nào. Hoặc thực hiện tư thế Chiến binh II (Virabhadrasana II) với ý định giữ ngón chân út của chân sau trên sàn khi bạn gập chân trước vào góc độ chuẩn xác. Bạn sẽ dễ nghĩ rằng ta phải siết căng chân sau, nhưng điều ngược lại mới đúng; bạn càng để chân sau thư giãn và để sức nặng cơ thể chạy từ mông xuống sàn, rồi để chân trước gập xuống từ sự neo bám này, sẽ dễ dàng vào tư thế hơn.
Tính trung lập là khái niệm then chốt trong chuyển động. Khi cơ thể trong trạng thái trung tính, nó sẵn sàng vận động theo phương hướng mong muốn mà không gặp trở ngại hay cần phải nỗ lực thêm. Có một cách để tìm đến sự trung lâp cơ thể trong yoga là quan sát xem bạn có đang thoải mái trong giai đoạn bắt đầu tư thế, hay liệu rằng bạn có thể duy trì cảm giác thư thái hoàn toàn khi bắt đầu làm việc với cơ thể.
Với cơ chế tương tự, sự quân bình là khái niệm chủ đạo trong thực hành thiền Vipassana. Khi tâm trí đạt được sự quân bình và một cảm giác dễ chịu khởi lên, bạn trải nghiệm khoảnh khắc đó mà không hề cố gắng nắm bắt nó hay tạo ra căng thẳng. Nếu cảm giác không thoải mái khởi lên, tâm trí bạn không bó hẹp trong một nỗ lực trốn chạy vô ích với điều đang diễn ra. Thay vào đó, nó cởi mở và thư giãn dù cho bạn đang trải nghiệm thứ không dễ chịu; chính nhờ vậy mà bạn bớt đi khổ sở.
Bạn có thể tự mình trải nghiệm sự thật này trong yoga. Trong cuốn “Light on yoga”, B.K.S. Iyengar đánh giá từng tư thế theo mức độ phức tạp, chỉ trừ tư thế Xác chết (Savasana), ông nói đơn giản vì nó quá phức tạp để sắp đặt trên cùng thang đo với các tư thế khác. Savasana là tư thế quân bình tối ưu, tâm trí và thân thể đều tỉnh táo, cả hai đều thức, nhưng chúng không hề dính mắc.
Sống một cuộc sống quân bình có hương vị giống như Savasana vậy: Bạn tỉnh thức, nhưng tâm trí thì không bám chấp vào bất cứ điều gì; nó chỉ phản hồi lại theo cách phù hợp. Mặc dù giáo huấn về sự quân bình tỉnh thức là phương pháp thực hành Phật giáo, bạn vẫn có thể hình dung mình trải qua luyện tập yoga hay cuộc sống thường nhật như đang trong Savasana. Nghe có vẻ gượng gạo tại thời điểm này trong sự thực hành của bạn, nhưng nhiều người từ rèn luyện siêng năng đã có được khả năng này với mức độ khác nhau. Nó không phải kiểu tình huống đạt được tất cả hoặc không đạt được gì; mà là hãy cứ bổ sung sự bình tĩnh và tỉnh thức thêm chút nữa vào việc thực hành, công việc và đời sống gia đình. Dĩ nhiên, bạn có thể đảm bảo rằng mình sẽ hoàn toàn thất bại và cần phải tái khám phá bài học này, và cơ chế này sẽ lặp đi lặp lại bất tận. Thế nhưng, xét về mặt tổng thể, sẽ có phát triển trong thực hành và chất lượng cuộc sống được nâng cao hơn, bạn sẽ có thêm nhiều khoảnh khắc được sống từ những giá trị sâu hơn của bản thân.
Thư giãn mà sống
Như vậy, ta có thể nào giảm bớt sự căng thẳng khi đang trong một tư thế không? Điều đó phụ thuộc vào vùng mà bạn đang giữ sự căng thẳng. Trong chuyển động, thường thì sẽ có một đường dẫn ý định cấp một trong cơ thể và cũng có cả những đường dẫn cấp hai. Đường dẫn cấp một bao gồm nỗ lực chịu đựng sức nặng cơ thể, chẳng hạn như hành động của bàn tay và cánh tay trong tư thế Chó úp mặt; đường dẫn cấp hai là những nơi như cổ, bụng, hông và ngực. Bởi vì những bộ phận này không phải là nơi chịu lực, những đường dẫn cấp hai có thể bước vào và ra khỏi căng thẳng khi chúng ta đang trong một tư thế; nhưng với đường dẫn cấp một, những vùng chống đỡ lực, căng thẳng bị khóa vào tư thế. Nếu có thể thì bạn hãy thử, bạn không thể nào thả lỏng vùng đó mà không phá vỡ cấu trúc tư thế.
Jackie Joyner- Kersee, ngôi sao liên tục đạt huy chương Vàng Olympic, đã có lần chia sẻ rằng phong cách chạy của cô là thiết lập tốc độ càng nhanh càng tốt và sau đó tập trung vào thư giãn trong khi cô để mặc cho cơ thể chạy. Một tư thế yoga cũng giống vậy. Bạn có thể tìm thấy cấu trúc thích hợp của tư thế cho riêng mình trong bất cứ một ngày nhất định nào với cơ thể này, chân thật như nó vốn là, và sau đó hãy thư giãn trong trải nghiệm bất kể cảm giác xuất hiện là dễ chịu hay không dễ chịu. Đừng lãng phí năng lượng tạo thêm căng thẳng, đừng phán xét tư thế, hay ước gì bạn có thể như thế nào đó khác với bạn của hiện tại.
Cuộc sống của bạn có chút khác biệt nào so với việc luyện tập yoga không? Bạn có thể thư giãn ngay khi rơi vào căng thẳng vào một khoảnh khắc nào đó trong đời? Kinh nghiệm của tôi là mọi thứ chính xác y hệt như vậy. Có thể bạn căng thẳng khi bắt đầu thuyết trình trước đám đông và rồi thư giãn, hay cảm thấy áp lực khi nói chuyện với vợ hoặc chồng và rồi bỏ qua. Nhưng nếu bạn chấp nhất vào quan điểm rằng mình phải đúng hay người kia phải thay đổi, thế thì điều đó cũng chỉ giống như một tư thế trụ lực trong yoga, sẽ không thể nào thoát khỏi căng thẳng nếu không từ bỏ tư thế “của bạn” và bắt đầu lại từ đầu. Buông bỏ căng thẳng trong cuộc sống còn khó khăn hơn nhiều là thư giãn trong tư thế Tam giác, vậy là ta lại có thêm một lý do để trân trọng sự thực hành yoga hơn.
Nguồn: Dharma Wisdom
Dịch: YogaVietnam