Mặc dù kết quả khảo sát của David Keil (tác giả bài viết) chỉ ra rằng yoga không phải là một hoạt động thể chất có rủi ro cao so với nhiều hoạt động khác, nhưng yoga không phải không có rủi ro. Nếu vậy thì rủi ro chấn thương là gì, vì sao chúng ta vẫn tập yoga?
Vì sao chúng ta tập Yoga?
Chúng ta nên nhận biết và thừa nhận rằng yoga là một công cụ và có thể được sử dụng với những cách khác nhau. Chúng ta có thể tập yoga như một hoạt động thể dục giải trí như các bộ môn thể dục nhịp điệu, khiêu vũ hoặc thể dục dụng cụ, hoặc chúng ta có thể coi đó là một liệu pháp chăm sóc sức khỏe bổ sung như vật lý trị liệu, xoa bóp hoặc trị liệu thần kinh, hoặc chúng ta có thể sử dụng yoga như một phương pháp thực hành với mục tiêu phát triển tỉnh thức hoặc nhận thức. Khi biết rõ chúng ta có thể sử dụng các công cụ của yoga theo nhiều cách khác nhau, thì một điều rất quan trọng chúng ta cũng nên biết đó là kỳ vọng cho những cách ứng dụng khác nhau của yoga cũng sẽ khác nhau. Kỳ vọng cho giáo viên cũng thay đổi theo, với cách họ đưa yoga vào giảng dạy.
Điều này mở ra một cuộc thảo luận về những thành kiến giả định và ẩn ý của chúng ta về mục đích và phương pháp thực hành yoga.
Những định kiến về Yoga
Đến một giai đoạn nào đó, khi việc tập luyện yoga trở nên phổ biến trên toàn thế giới, yoga đã tạo cho mình một định kiến cụ thể. Yoga thường được nói đến như thể chúng ta có một kỳ vọng rằng yoga asana sẽ có thể chữa lành tất cả mọi thứ và hoàn toàn không có bất kì rủi ro nào. Thế nhưng chúng ta lại không gán thứ kỳ vọng này cho bất kỳ hoạt động giải trí nào khác hoặc bất kỳ loại trị liệu y học bổ sung hoặc bất kì phương thức Tây y nào. Chúng ta biết rằng thể dục dụng cụ và khiêu vũ có những lợi ích kèm theo rủi ro tiềm ẩn. Chúng ta nhận ra rằng những biện pháp y tế, cho dù đó là phẫu thuật hay trị liệu vật lý, đều có những lợi ích và rủi ro tiềm ẩn. Vậy, tại sao chúng ta lại gán cái kỳ vọng này cho yoga asana?
Khi đang luyện tập hoặc dạy một phong cách yoga nào đó, chúng ta sẽ cho rằng những phương diện đặc thù của bộ môn này sẽ mang lại một giá trị nào đó. Những phương diện đặc thù này có thể là một phương pháp thở cụ thể, một chuỗi các tư thế hoặc một cách thức di chuyển vào tư thế (ví dụ có hoặc không có vinyasa kết nối). Sau đó, chúng ta cứ thực hành rồi tự vẽ vời về sự kết nối các phương diện khác nhau của bộ môn này lại với nhau thành một phương pháp hay ho giúp chúng ta đạt được điều gì đó hoặc “dẫn dắt chúng ta đến một chân trời nào đó”. Điều này chỉ là ảo tưởng của chính chúng ta về cách thức và nguyên lý của phương pháp yoga nào đó, đó dẫn đến hành động cụ thể của chúng ta, những người tập luyện và giảng dạy yoga.
Yoga là một công cụ
Cách chúng ta sử dụng công cụ yoga có thể làm tăng hoặc giảm khả năng bị chấn thương nào đó trong yoga. Nếu chúng ta nghĩ rằng bản chất yoga là để tạo ra thay đổi một cách hiệu quả, và chúng ta ra sức tập luyện yoga theo mục tiêu đó, thì chúng ta nên chuẩn bị chấp nhận nguy cơ chấn thương cao. Ví dụ, học nhiều kiểu đảo ngược có nguy cơ bị té ngã. Nếu chúng ta muốn học đứng bằng đầu, chúng ta có thể giảm nguy cơ té ngã bằng cách làm việc với một giáo viên giúp chỉnh tư thế, hoặc tập với tường, nhưng nguy cơ té ngã vẫn còn đó. Nếu chúng ta cảm thấy muốn được thử thách với việc tập luyện đứng bằng đầu, thì chúng ta cần phải chấp nhận rủi ro té ngã. Còn nếu không muốn chịu rủi ro, chúng ta sẽ xem xét những lựa chọn khác, có thể tập những tư thế khác.
Yoga asana vốn không có tính trị liệu hoặc cũng không gây thương tích. Yoga vốn không an toàn cũng chẳng nguy hiểm. Nó chỉ là một công cụ. Yoga là trung tính. Nó có thể được áp dụng theo bất kỳ cách nào và trong bất kỳ tình huống nào. Chiếc xẻng cũng là một công cụ. Tôi có thể sử dụng nó để đào một cái hố và trồng cây hoặc tôi có thể dùng nó để đánh ai đó. Tính chất của hai hành động này rất khác nhau và cả hai tính chất đó đều không tồn tại trong chính chiếc xẻng. Chiếc xẻng là trung tính.
Tôi nghĩ điều quan trọng đối với chúng ta, một cộng đồng yoga, là hãy bắt đầu đặt những câu hỏi ý nghĩa hơn về mục đích tập luyện yoga asana của bản thân và trong quá trình tập luyện này, đâu là mức độ rủi ro chúng ta có thể chấp nhận. Yoga asana là chuyển động vật lý. Chuyển động vật lý vốn mang tính rủi ro. Rủi ro có thể tăng hoặc giảm tùy vào cách thức sử dụng công cụ yoga của chúng ta.
Trong dự án khảo sát của chúng ta, chúng tôi bắt đầu xoáy sâu vào các câu hỏi như:
- Có tình huống tập luyện nào khiến nguy cơ chấn thương trong yoga là lớn hơn hoặc ít hơn?
- Trường hợp nào chứa đựng nhiều hoặc ít nguy cơ gặp phải một chấn thương nhất định nào đó?
Trả lời được các câu hỏi này tạo cơ hội cho chúng ta có nhiều sự lựa chọn hơn trong thực hành asana giúp chúng ta đạt được những gì chúng ta muốn. Điều này mang cho chúng ta nhiều thông tin hơn về các cách thức và tình huống mà ở đó chúng ta có thể giảm thiểu nguy cơ chấn thương trong yoga, đồng thời vẫn duy trì tập luyện một cách hữu ích và hiệu quả nhất.
Hãy suy ngẫm
Trách nhiệm đầu tiên của chúng ta, một cộng đồng yoga là thừa nhận một cách cởi mở và trung thực rằng yoga asana là một hoạt động thể chất. Nó không phải là không có rủi ro. Từ đó chúng ta có thể nhìn vào những nơi mà giáo viên có thể giảm thiểu rủi ro cho học viên và học viên cũng phải có trách nhiệm cho chính trải nghiệm luyện tập của họ trong lớp tập.
Là giáo viên yoga, chúng ta cần phải hiểu biết hơn về những gì chúng ta thật sự mang lại cho học viên và các loại rủi ro có thể xảy ra là gì. Chúng ta cũng cần phải rõ ràng và thẳng thắn hơn về kỳ vọng của học viên trong trải nghiệm luyện tập, có thể ví dụ như:
- ngưng tập nếu thấy đau
- ngưng tập nếu không rõ hoặc thấy bối rối với hướng dẫn của giáo viên
- ngưng tập nếu thấy mệt mỏi và/ không tập trung
Là giáo viên, chúng ta cần dạy có cách dạy kiềm những học viên mới quá hăng hái, tập quá sức quá sớm dẫn đến tăng nguy cơ chấn thương do thực hiện các chuyển động có tính lặp lại . Chúng ta nên xét tính quan trọng của việc “chỉnh sửa” học viên khi họ đang luyện tập. Thay đổi, chỉnh sửa họ quá nhiều, quá sớm cũng có thể là một vấn đề, vì cơ thể học viên cần thời gian để tiếp thu và thích nghi với sự điều chỉnh. Chúng ta cũng cần xem lại sự hăng hái mức của chính chúng ta trong việc giúp học viên thực hiện sâu tư thế, và khiến họ bị chấn thương với những điều chỉnh hoặc hỗ trợ tư thế từ chúng ta.
Kết luận
Hãy đổi cách thảo luận về yoga và chấn thương, hãy thảo luận những chi tiết liên quan đến từng học viên và giáo viên trong bối cảnh tập luyện và đứng lớp thực tế của họ. Mỗi học viên khi bắt đầu tập yoga đều có những nhu cầu và kinh nghiệm cá nhân. Mỗi thói quen tập luyện (bộ môn tập luyện, thờ gian tập luyện, phong cách giảng dạy, tư thế đi tập luyện, v.v.) đều có những rủi ro riêng. Trả lời cho câu hỏi: chúng ta có bị chấn thương khi tập yoga không? Có, họ có bị chấn thương. Một câu hỏi đáng hỏi sẽ là: Có cách nào để tập yoga không bị chấn thương không? Tập thế nào thì sẽ gặp nguy cơ chấn thương cao hơn? Khi trả lời được những câu hỏi này, chúng ta sẽ có thể nhìn nhận và điều chỉnh những rủi ro chấn thương phù hợi với từng học viên. Yoga không phải không có rủi ro. Để kết bài viết này, tôi sẽ chia sẻ một số thông tin do học viên cung cấp khi được khảo sát, về những tình huống bất ngờ họ gặp phải khi luyện tập và dẫn đến chấn thương. Các bạn nên đọc để có được thông tin và cẩn trọng hơn trong việc tập luyện của mình để giảm thiểu nguy cơ chấn thương ở mức thấp nhất cho mình.
“tình trạng các khớp quá linh hoạt và duỗi lưng dưới quá mức dẫn đến cơ lưng dưới yếu, xương cùng bị lệch, viêm khu vực xương cùng trong lúc tập múa.”
“tôi bị té ngã trong tư thế thăng bằng trên ngón chân, lưng ngã sau về phía hông phải, chấn thương khớp cùng chậu, gây đau nhức rất nhiều”
“Thực hiện tư thế setu bandhasana và bị chấn thương cổ”
“Chấn thương khi tập lại series hai quá sớm sau khi sinh”
“Tôi chấn thương cơ lưng khi tập cho hai chân sau cổ. Tôi đang tự tập thì con nhỏ của tôi bò lên người tôi, ngay lúc đó tôi không giữ tập trung và toàn bộ sức năng hai chân đè lên người làm chấn thương lưng giữa của tôi”
“Tôi đã không khởi động kĩ khi thực hiện tư thế đứng bằng đầu tại nhà”
“khi bước một bàn chân về trước để làm tư thế chùng thấp, tôi đã vấp ngón chân cái lên mặt sàn và làm gãy nó. Lúc đó là phút cuối bài tập 90 phút của tôi, tôi đã quá mệt và không đủ sức nhân chân cao về trước”