Mình đã kết thúc những ngày cuối năm 2019 bằng việc phục vụ một khóa thiền Vipassana 10 ngày tại Tịnh xá Ngọc Thành Thủ Đức. Mình đã nuôi ý nguyện phục vụ ngay trong lúc ngồi khóa 10 ngày tháng 11 năm 2018, chỉ đơn giản muốn đền đáp những gì mình đã nhận được trong thời gian tham gia như một thiền sinh. Phải đến tháng 12. 2019 mình mới thực hiện được ý nguyện này sau 2 lần hủy hoặc rời khóa sớm vì những sự kiện gia đình. Cảm giác muốn đền đáp khi bản thân đã được phục vụ, được hỗ trợ xuyên suốt 10 ngày ngồi thiền lợi lạc là hiện tượng hết sức bình thường của những ai vừa xong khóa ngồi. Nhưng mình không thể nào hình dung được lợi lạc từ việc phục vụ còn to lớn hơn rất rất nhiều cho riêng bản thân mình so với những gì mình nhận được trước đây.
Mình viết ra đây về những trải nghiệm và xem xét cá nhân từ sự kiện này. Với khả năng cải sửa và nhận thức còn rất non kém, mình chỉ đơn giản muốn những chia sẻ này của mình sẽ tạo cảm hứng cho các bạn tìm đến con đường Vipassana, một trong những con đường dẫn bạn đến an lạc thực sự, biết đâu đó, một ngày nào đó.
Công việc phục vụ khóa thiền có thể chia đơn giản vào hai khu vực. Khu vực nhà ăn có trách nhiệm toàn bộ cho những bữa ăn của gần 100 thiền sinh xuyên suốt hơn 10 ngày. Khu vực thiền đường có trách nhiệm chăm lo tất tần tật những gì thuộc về thiền sinh, từ việc bảo đảm họ giữ giới, chăm lo sức khỏe, giải quyết những vấn đề, yêu cầu bất thường của họ, và những công việc quản trị khác. Mình được phân công vai trò phụ tá quản lý thiền sinh, bên cạnh hỗ trợ một chị quản lý. Nói cho dễ hiểu là 1 trong gần 50 thiền sinh nữ có bất kì vấn đề gì họ sẽ liên hệ chị quản lý và mình.
Phục vụ khóa thiền, đặc biệt khu vực thiền đường cần phải làm việc phối hợp với nhiều đối tượng. Đầu tiên là thiền sư, ban tổ chức, phiên dịch, toàn bộ phục vụ nhà ăn, thậm chí người nhà thiền sinh. Yêu cầu công việc này cho phép mình nói chuyện để trao đổi thông tin, cập nhật công việc cho những người có trách nhiệm và đưa ra cách xử lý tình huống khi cần. Hầu như ngày nào mình cũng có một tình huống gì đó cần phải xử lý. Ví dụ thiền sinh bị ốm, thiền sinh gặp khó khăn khi ngồi, thiền sinh muốn về, muốn liên hệ gia đình, muốn nhờ phục vụ mua thuốc, thiền sinh không giữ giới, thiền sinh muốn ăn chiều, thiền sinh có câu hỏi về thiền…Đây là những tình huống liên quan đến thiền sinh mà có thể kể tên. Có những tình huống thiền sinh không thể hoặc không nên gọi tên (:D) và những tình huống liên quan đến các bạn phục vụ.
Mình chia sẻ vậy để mọi người phần nào hình dung bối cảnh làm việc của phục vụ. Đây là công việc, và mình phải làm việc với nhiều người cùng một lúc. Phục vụ như mình có thể chạy cuống qua lại giữa các nơi, có thể cần nói chuyện nhiều, có thể căng thẳng, có thể có nhiều xung đột và bất tịnh bên trong, nhưng phải luôn giữ sự trang nghiêm, bình thản, thật ít phản ứng và cảm xúc nhất có thể mỗi lần bước chân vào thiền đường và bất cứ khi nào trước thiền sinh. Mình đã được trải nghiệm và rèn quan sát tâm mình như thế giữa hai thái cực của hai động lực này.
Đây là những quan sát và bài học từ trải nghiệm cá nhân của mình:-
1. Tất cả tương lai của mình vỏn vẹn trong 2 giờ đồng hồ kế tiếp. Toàn bộ những hoạt động dự tính của mình chỉ cho 2 giờ đồng hồ này.
2 tiếng là vì mỗi thời thiền kéo dài từ 60-90 phút, phục vụ quản lý thiền sinh như mình phải bảo đảm mọi công tác cần chuẩn bị cho thời thiền kế tiếp được sẵn sàng , bảo đảm không gian thiền yên tịnh tuyệt đối, với điều kiện tốt nhất cho thiền sinh ngồi tốt và nỗ lực zero vấn đề, sự cố. Vì là một phục vụ không có kinh nghiệm, muốn hoàn thành công việc với tối thiểu sai sót, mình và chị quản lý khá căng thẳng đặc biệt vào những ngày đầu. Chính vì thế, bọn mình đã tập trung cực kì cao độ. Và đây là điều rất tuyệt vời cho bản thân mình. Với một cái tâm con khỉ, mình thường mệt mỏi với chính bản thân mình khi luôn nghĩ về tương lai, về tuần sau, tháng sau, những năm sau. Tâm mình luôn đầy kế hoạch, ý tưởng. Cứ thế mình hiếm khi tập trung vào hiện tại được vài phút. Với nhận thấy sự tập trung vào hiện tại, hoặc một tương lai rất gần chỉ cho những đầu việc cần phải làm trong 2 tiếng tới, mình thấy cuộc sống thật…dễ dàng. Mọi thứ rất rõ ràng, không chút mơ hồ, tản mát và hầu như nằm trong khả năng xử lý.
2. Sự im lặng kiểm soát cái tôi. Nhìn chung ít nói thì vẫn tốt hơn.
Chưa bao giờ mình có khả năng quan sát cái tôi, cái ngã của mình rõ ràng đến vậy. Mình nhận biết lúc nào tâm mình bắt đầu phán xét, biết lúc nào nó muốn đưa ra nhận định về người khác, biết lúc nào nó muốn sa đà vào tranh luận, biết lúc nào nó ham muốn tham gia những câu chuyện tán gẫu. Và chỉ có yên lặng, mình mới kịp thấy được cái ngu của mình trước khi nhanh nhảu phát ra qua lời nói hay hành động. Trước khóa thiền, mình đã ý định tránh cho tâm xao nhãng bằng cách chỉ nói khi thật sự cần. Điều này mang lại lợi ích cho mình tập trung vào bản chất tình huống, xử lý công việc rất hiệu quả và tập trung. Lúc này tâm của mình khá tịnh. Vào lúc ngồi, mình có thể thực hành được kĩ thuật thiền. Đến những ngày giữa khóa thiền khi đã quen việc, quen mọi người, hiểu được bối cảnh của toàn bộ công việc và các mối tương tác giữa các bạn phục vụ, mình đã chủ quan, tạo ra sự dễ dãi cho cái tôi trồi lên. Mình đã rất tiếc khi không tỉnh táo, không kiểm soát bản thân (dù nhận biết rõ ràng cảm giác cơ thể nóng bừng lúc đó) để kịp thời tự cứu mình ra khỏi một cuộc tranh luận vô nghĩa và không phù hợp. Từ đó mình ngồi rất tệ, những ý tưởng tranh luận tiếp nối khởi lên trong tâm mình vào giờ thiền. Mình vô cùng thất vọng bản thân vì điều này. Cảm giác như công phu mấy ngày gìn giữ đã bị phá vỡ. Nhưng với sự việc khó chấp nhận đó, mình ý thức tốt hơn kết quả hành động. Và chính đó là điểm mốc giúp mình lấy lại được trạng thái định tốt hơn trong những giờ làm việc sau đó cùng mọi người. Mình đã mạnh dạn im lặng, mạnh dạn đứng dậy rời khỏi đám đông, để lại những câu chuyện phía sau. Việc này nghe chừng quá sức đơn giản để nói đến, nhưng toàn bộ quá trình làm việc, tương tác với nhiều người đồng thời cùng với sự quan sát tâm kĩ lưỡng, mình đã lần đầu tiên ít nhiều kiếm soát được cái tôi cao ngạo của mình, hạn chế lời nói và cho phép mình thấy rõ và đúng nhiều điều tiếp nhận qua đôi tai, đôi mắt của mình. Môi trường tại trung tâm thiền chắc chắn thuận lợi to lớn cho quá trình này vì nhìn chung mọi người đến đây đều rất cẩn trọng trong lời nói, luôn cố gắng làm việc của mình thật tốt cùng với nhiều tình thương có sẵn. Nhưng không thể diệt trừ mọi tham sân si ở tất cả từng đấy con người và ngay ở chính bản thân mình được. Nên đây vẫn là một môi trường để chúng ta từng chút một học một bài học tuy chậm nhưng chắc.
3. Lần đầu tiên mình hiểu và cảm được sự phục vụ vô vị lợi đích thực. Và món quà của việc này đó là cái tôi thoái lui, bản ngã xẹp xuống.
Mình đã làm nhiều việc mình cho là giúp ích cho cộng đồng, cho một vài nhóm đối tượng. Nhưng chỉ khi vào khóa phục vụ này, mình mới cảm nhận được sự phục vụ không mong cầu, không một chút tham (kể cả là vi tế nhất), không vì bất cứ điều gì khác ngoài “cái ham muốn” giúp cho nhiều người thiền tốt. Chẳng hiểu sao mình chưa bao giờ cảm thấu được điều này trong bất kì việc làm nào trước đây của mình dù rằng mình đã có rất nhiều trải nghiệm trong yoga, và trong những cộng đồng giáo dục, thiện nguyện hay tâm linh khác. Cảm giác này mình chỉ ý thức được vào khoảng ngày 2 của khóa, cái cảm giác lan tỏa khắp cơ thể của mình khi ngồi. Chính giây phút đặc biệt này, mình tiếp theo lờ mờ kết nối được nhiều dữ kiện, nhiều omen, cho mình một sự hình dung nhấp nhóm về việc mình có thể làm gì vào những ngày tháng tiếp theo. Những việc để mình dần tách ra khỏi cái tôi, để cho cái tôi này nhỏ bé đi, để mình không là ai nữa. Chứ không phải là quảng bá việc dạy yoga của mình, không phải là phát triển kinh doanh hiện giờ, ngay cả không phải xây dựng cộng đồng này nọ. Không phải là mình. Mình chẳng cần làm những việc như thế để vì.điều.gì. đó. Nếu thích lúc nào thì làm lúc đó. Không phải là thứ phải làm.
Chỉ có khoảnh khắc cơ thể thấm đẫm cảm giác này, mình mới hiểu à hóa ra đúng nghĩa karma yoga mà chúng ta cứ hay đem ra dán nhãn cho những việc mình làm là đây. Mình mới hiểu sự phục vụ vô vị lợi khó lắm, khó vô cùng. Nhưng đây chắn hẳn là một trong những cách để giảm trừ cái tôi, để giảm trừ cái khổ do cái tôi ngu ngốc gây ra.
4. Phục vụ cũng là công phu tu tập, cải sửa
Mình chỉ mới ngồi 1 khóa 10 ngày khóa Vipassana do thầy Goenka giảng dạy. Việc thực hành của mình rất lõm chõm, còn việc hiểu Pháp thì vô cùng non kém. Nhưng mình không vội để ngồi nhiều, không háo hức để tìm hiểu Pháp sâu, có thể vì mình không chắc mình sẽ chọn con đường nào. Chỉ là mình muốn đền đáp những gì nhận được từ khóa ngồi năm ngoái. Nhưng phải cảm ơn khóa phục vụ này mà mình hiểu thêm về Pháp và hiểu sâu hơn những khái niệm lờ mờ trước đây. Vì việc chính của phục vụ là hoàn thành công việc được giao, việc ngồi thiền chỉ là cách thức bỗ trợ cho việc phục vụ tốt hơn, nên đợt “tu” này rất thực tế với mình. Khi ngồi mình chỉ nhận biết được thế giới nội tâm của mình một mình, tất cả từ bản thân mình. Khi phục vụ mình thấy được thế giới đó với tương tác, biểu hiện cuộc đời. Khi ngồi mình được nghe một số bài giảng lý thuyết. Khi phục vụ mình hiểu thêm được bằng cách chứng thực những điều đã nghe. Mình vừa thực tập quan sát tâm khi ngồi lẫn hiểu được bối cảnh làm việc của một trung tâm thiền, của những động lực đằng sau những con người làm việc nơi đây. Họ mang lại cho mình nhiều điều kiện để thực hành quan sát sâu và thực tế hơn. Đặc biệt họ truyền cảm hứng cho mình trong việc tìm thấy ý nghĩa của việc hiểu Pháp và tu tập. Tuy vừa về từ khóa thiền nhưng khả năng thích ứng lại với cuộc sống của mình “nhanh hơn”. Mình không bị ảo tưởng chấp nhiều vô những lý thuyết thu lượm chưa tới đâu từ những khóa trước. Quan trọng nhất những điều mình học được cho mình những bài học rất đời, giúp mình ý thức nỗ lực nhìn thấy đúng và hành động phù hợp hơn với hoàn cảnh trong cuộc sống. Mình mới về lại được chưa đầy 1 tuần. Mong cho ý thức được vững vàng lâu dài.
Món quà giá trị nhất từ khóa phục vụ này là một ý niệm mới được gieo. Cầu mong cho hạt mầm được ngày khai nở dẫn đến sự an lạc đích thực, đầu tiên cho bản thân và cho những người xung quanh mình có khả năng lan tỏa.
Cảm ơn những ai đã đọc đến những dòng chữ cuối này. Mình cầu chúc các bạn có đủ những gì cần có để cuối cùng được vui với cuộc đời.
Thiền Vipassana là gì?
Vipassana – nghĩa là thấy sự việc đúng như thật – là một trong những phương pháp thiền cổ xưa nhất tại Ấn độ. Truyền thống thiền này được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2500 năm; và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại – một Nghệ Thuật Sống. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát.
Vipassana là con đường tự thay đổi bằng cách tự quan sát. Phương pháp thiền này chú trọng đến tương quan mật thiết giữa tâm và thân. Mối tương quan này có thể kinh nghiệm được trực tiếp bằng cách chú tâm thận trọng đến những cảm giác thực sự trên thân, những cảm giác luôn luôn đan xen và tạo ra các khuôn mẫu cho tâm. Hành trình quan sát và tự khám phá này đi vào cái gốc rễ chung của tâm và thân, từ đó xóa bỏ những bất tịnh tinh thần, mang đến một tâm quân bình tràn đầy tình thương và lòng từ bi.
Tìm hiểu về thiền Vipassana
http://www.vn.dhamma.org/thien-vipas…/thien-vipassana-la-gi/
Các khóa thiền tại Việt Nam 2020
https://www.dhamma.org/vi/schedules/noncenter/vn
Nguồn_Đinh Trang