“La Dolce Far Niente”
Tôi đọc được thành ngữ này trong quyển sách “Ăn. Cầu Nguyện. Yêu” của Elizabeth Gilbert. Đấy là tiếng Ý và được dịch là “Sự ngọt ngào của việc không làm gì”.
Tôi tự hỏi nó có ý nghĩa gì trong cuộc sống quá bận rộn của chúng ta. Bận đến nỗi bọn trẻ con cũng không thoát được. Cậu bé cháu trai 8 tuổi nhà tôi mỗi khi gặp tôi trên điện thoại thường nói rằng “Con bận lắm”. Thật ra, “tôi đang bận”, gần như trở thành biểu tượng của địa vị. Bạn càng bận rộn, bạn càng là người quan trọng.
Ông ấy không thể nói chuyện với bạn bây giờ được, “Ổng đang bận”. Oh tôi không đi họp lớp được đâu, “tôi đang bận”. Tôi không có thời gian để thở, bạn thấy đó “Tôi đang bận”!
Thật khó để bỏ lỡ niềm tự hào của nhiều người, khi họ nói “Tôi có làm việc vào cuối tuần nha”, hoặc “Tôi đi nghỉ lễ đây, nhưng vẫn liên lạc được, khi cần, cứ gọi nhé.” (làm như thế giới sẽ ngừng vận hành nếu họ ngừng làm việc trong một lúc).
Đỉnh cao của việc này thể hiện trong một cuộc phỏng vấn với một nhà lãnh đạo. Cô ấy được hỏi “Điều gì làm bạn thức giấc giữa đêm?” Cô ấy trả lời là cái gì đó liên quan đến kết quả kinh doanh.
Nhiều nhà lãnh đạo cảm thấy có nghĩa vụ phải cho người ta thấy họ luôn bận rộn chạy doanh số. Còn bản thân tôi thì sẽ không tin một người lãnh đạo không thể tự dành cho mình một giấc ngủ ngon.
Vì vậy thành ngữ “sự ngọt ngào của việc không làm gì” bám riết tâm trí tôi. Tôi tự hỏi nó có nghĩa là gì…
Có một nhóm người – hoặc cũng nhóm người “đang bận rộn” đó khi tự dưng phát hiện mình không có gì để làm – luôn trong trạng thái chán nản, kiểm tra mail hoặc nghịch cái remote TV hàng giờ liền nhưng không tập trung vô thứ gì.
“Không làm gì” có phải là:
- Không có gì để làm?
- Đi spa?
- Tự giải trí?
- Đi nghỉ mát?
- “Tranh thủ ngủ” dịp cuối tuần?
Tôi nghĩ không phải là bất cứ câu trả lời nào trên.
Không làm gì là trạng thái trái ngược với làm việc. Nó là trạng thái tồn tại.
Bạn có nhận ra cách chúng ta ăn sáng và ăn trưa những ngày này? Nuốt vội miếng ăn trong khi đọc báo hoặc đang họp, thậm chí là chụp ảnh selfie với món ăn. Đâu là niềm vui, sự ngọt ngào của việc tận hưởng vị nóng sốt của soup hay độ giòn tan của trứng chiên? Chúng ta có lịch để theo dõi, mọi thứ đều được lên lịch trình.
Trạng thái tồn tại theo nghĩa đen là vậy. Tồn tại ngay tại khoảnh khắc đó thật hạnh phúc, với niềm vui lớn đến nỗi bạn không trông đợi thứ gì khác nữa.
Trạng thái tồn tại vượt trên cả sự tỉnh thức. Nó thể hiện ý tưởng sâu sắc của ý nghĩa.
Chúng ta có thể và nên thử tỉnh thức trong bất cứ hoạt động nào mình đang làm. Nhưng để có trạng thái tồn tại, bản thân hoạt động đó cần được lựa chọn một cách tỉnh táo.
Trạng thái tồn tại càng lúc càng khó khăn hơn vì chúng ta vẫn đang thường xuyên lấp đầy sự bừa bộn vào không gian tâm lý, tinh thần và vật lý của mình.
Bạn có thể giữ chánh niệm trong buổi họp – điều mà mọi người biết là không để lại hậu quả gì. Nhưng nó có ý nghĩa với sự tồn tại của bất cứ ai? Có thể thời gian đó nên dành cho việc đi dạo nói chuyện trong công viên (tốt cho sự tồn tại của tôi), hoặc tạo ra thứ gì đó xinh đẹp, hữu ích (tốt cho sự tồn tại của tôi và của người khác). Vì vậy bạn có thể giữ chánh niệm trong tất cả các hoạt động, nhưng trạng thái tồn tại, xuất phát từ chính bản thân hoạt động đó tự có ý nghĩa.
Nhưng chúng ta đã tạo bao nhiêu cơ hội cho bản thân được lựa chọn khi chúng ta muốn ở trong trạng thái tồn tại.
Có nhiều lúc chúng ta có nhiều hơn những thứ ta cần để sống thoải mái. Chúng ta tiêu hao sức lực cả đời mua sắm và duy trì việc sở hữu những thứ đó, rồi lại hao mòn tinh thần lo lắng về chúng.
Một người bình thường sẽ cần 3 thẻ tín dụng khác nhau, 4 tài khoản ngân hàng, 5-6 tài khoản mạng xã hội, 10 nhóm chat để sống sót, ít nhất 2 chiếc xe, và 4-5 nhân viên hỗ trợ…chân thành chúc may mắn cho tình trạng sống còn! Chúng ta có quá nhiều thứ để làm.
Chúng ta cứ than khóc là lúc nào cũng bận rộn. Đôi khi tôi lại nghi ngờ, chúng ta cố ý tạo ra cuộc sống ấy cho bản thân ta ở bên lề, vì chúng ta chưa nếm được vị ngọt ngào của không làm gì cả…hoặc chỉ tồn tại.
Hãy thử những thí nghiệm sau để thử hương vị ngọt ngào đó xem.
- Không dùng điện thoại trong một tuần. Hãy tìm một cách nào khác cho những người thân yêu có thể tìm đến bạn khi khẩn cấp, nhưng không dùng điện thoại trong 7 ngày liên tục. Chúng ta sẽ cảm thấy lạ lẫm trong 2 ngày đầu…và bạn có thể nhận ra mình cũng chẳng khác gì kẻ nghiện ngập…nhưng sau đó….
- Không để ý đến thời gian trong hai ngày cuối tuần. Chọn lấy 4-5 hoạt động mà bạn yêu thích nhưng ko đặt ra thời gian (giấu đi đồng hồ và các thiết bị báo giờ) – làm điều bạn thích khi bạn vẫn thấy thích thú rồi lại thử cái khác. Hãy để sự yêu thích của mình điều khiển thời gian, chứ không phải là kim đồng hồ.
- Nhìn xung quanh nhà bạn. Có những thứ nào bạn không dùng trong suốt 3 năm qua? Và thật tâm bạn biết bạn sẽ không dùng chúng, những thứ chúng ta cất kĩ vào tủ và tự nhủ “mình sẽ dùng nó.” Hãy bán đi, cho đi hay vứt đi. Chấp nhận sự thật là chúng ta đã tốn tiền mua chúng, nhưng chúng ta đang tốn thời gian, tiền bạc và không gian để duy trì. Hãy nghe Nike nói, cứ làm đi.
Trạng thái tồn tại là khi sự sáng tạo diễn ra. Trong tiếng Ấn gọi là “Shunya”, dịch là “zero”, về bản chất có nghĩa là hư vô.
Sự sáng tạo trỗi dậy từ hư vô.
Trong 2 tháng quá, tôi đã thực hiện những bước thay đổi lớn lao để cho bản thân thêm lựa chọn trong trạng thái tồn tại, trải nghiệm sự ngọt ngào của hư vô, và có khả năng “sáng tạo” – tạo ra không gian cho riêng bản thân mình.
Nguồn: Swati@Medium
Dịch bởi Yogavietnam