Với những vị hàng xóm ồn ào và người vô gia cư trên các góc phố, cuộc sống thành thị mang đến nhiều cơ hội cho ta rèn luyện lòng nhân hậu. Tác giả Dzigar Kongtrül Rinpoche sẽ diễn giải làm sao cuộc sống đô thị có thể giúp chúng ta mở lòng.
Những người rèn luyện về tâm linh thường khao khát được sống một mình trên núi giữa các loài động vật hoang dã, tuy nhiên, thành phố cũng có thể là một môi trường cân bằng hoặc thậm chí còn là môi trường hỗ trợ nhiều hơn cho việc luyện tập. Không giống như vùng hoang dã, các thành phố không có nhiều cây cối, ngoài những cây xanh trong công viên ra, các thành phố có rất nhiều cư dân và – nếu ngẫm nghĩ thì – con người cũng là tự nhiên! Bởi vì thành phố thì đông người, do đó sẽ có nhiều cơ hội hơn để luyện tập lòng nhân hậu, lòng trắc ẩn, niềm vui trong mối tương quan với hạnh phúc của người khác, và sự chăm sóc đồng đều cho tất cả mọi người.
Trong thành phố, ngay cả khi chúng ta ở trong căn hộ của mình, chúng ta cũng không thể thoát khỏi sự thật là có những người khác đang sống quanh chúng ta. Người phụ nữ lớn tuổi nhà bên cạnh, đôi khi một khách vãng lai ngủ trên thềm nhà, và một tay trống trên lầu. Nếu chúng ta cố gắng cô lập bản thân mình quá nhiều, chúng ta sẽ không thể thực hành lòng nhân hậu. Ngược lại, nếu chúng ta nuôi dưỡng sự cảm nhận về tính liên đới – sự cảm nhận về việc chúng ta là một phần của thành phố cũng giống như việc chúng ta là một phần của gia đình – khi đó chúng ta sẽ phát triển sự chăm sóc yêu thương và lòng nhân hậu dành cho tất cả mọi người trong thành phố và chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để rèn luyện.
Sống trong thành phố, mỗi ngày, chúng ta gặp gỡ rất nhiều người. Đôi khi chỉ là mỉm cười với ai đó hoặc việc mở cửa cho ai đó cũng có thể là sự rèn luyện lòng nhân hậu. Trên xe buýt, chúng ta có thể nhường chỗ ngồi cho một người lớn tuổi. Nếu chúng ta đón taxi hoặc đi giặt ủi, sẽ luôn luôn có một cách nào đó để cho đi sự ấm áp. Có rất nhiều người vô gia cư sống trên đường phố. Đôi khi họ ngồi xin tiền với một chiếc cốc hoặc một cái mũ trước mặt . Đôi khi họ cầm các tấm biển viết là “Tôi đói, bạn có thể giúp tôi không?” Đôi khi họ rất thân thiện và đôi khi họ trông chán nản hoặc lạnh lùng. Họ thường xách các túi nhựa chứa đầy đồ đạc cá nhân. Dường như việc ai đó đơn giản nhận ra sự hiện diện của họ cũng có ý nghĩa rất lớn.
Khi có gia đình, chúng ta không bao giờ nhận tiền lương mỗi tháng và nghĩ rằng, “Mình sẽ tiêu xài hết số tiền này!”. Chúng ta luôn nghĩ về gia đình – tiền thuê nhà, thức ăn và việc học hành cho con cái. Hiểu rằng gia đình phụ thuộc vào chúng ta, chúng ta vui biết bao khi nhìn thấy sự hỗ trợ của chúng ta mang lại lợi ích cho cuộc sống của họ. Chúng ta không bao giờ cảm thấy rằng các thành viên trong gia đình nợ chúng ta một điều gì đó và chúng ta không bao giờ hỏi tại sao chúng ta hỗ trợ cho họ. Ý thức trách nhiệm duy trì chúng ta, chúng ta cảm thấy có động lực để tiếp tục.
Tôi không có ý nói là chúng ta phải mở cửa chào đón tất cả mọi người. Có lẽ điều đó sẽ không thực tế. Con người vốn phức tạp; không phải lúc nào cũng dễ dàng giúp đỡ. Tuy nhiên, có những cách nhỏ bé mà chúng ta có thể cho đi sự ấm áp – những cử chỉ nhỏ bé mang lại nhiều ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta và cho cuộc sống của người khác. Tham gia theo cách này, chúng ta sẽ giúp phát triển thành phố, đất nước, thế giới của chúng ta. Nếu chúng ta đón nhận tất cả mọi người trong thành phố như là gia đình của chúng ta, bất kỳ điều gì chúng ta có thể làm cho họ đều mang lại sự hạnh phúc.
Các bậc cha mẹ tìm thấy rất nhiều niềm vui khi làm gì đó cho con cái của họ. Họ không thực sự tách rời khỏi bọn trẻ. Nếu con cái của chúng ta hạnh phúc, đó cũng là hạnh phúc của chúng ta – một niềm vui thuần khiết. Chúng ta cũng có thể hạnh phúc như vậy với “gia đình thứ hai” – thành phố của chúng ta. Trong một gia đình, mỗi thành viên có thể có nhu cầu khác nhau. Luôn luôn có một số thành viên cần sự giúp đỡ nhiều hơn, một số có thể bị bệnh hoặc gặp phải tình cảnh khó khăn, và cũng luôn có những người có thời gian thảnh thơi hơn để hỗ trợ bản thân hoặc may mắn hơn với những gì họ muốn. Chúng ta cố gắng làm những gì chúng ta có thể để hỗ trợ tất cả mọi người, mang lại sự chăm sóc bình đẳng cho tất cả mọi người.
Tất nhiên, khi chúng ta tiếp cận với những người vô gia cư trên đường phố, chúng ta không bao giờ biết điều gì có thể xảy ra. Một số người có thể cảm kích khi chúng ta cố gắng cho họ thứ gì đó, và họ thậm chí có thể muốn cho lại chúng ta – một quả táo hoặc lời chỉ bảo – vì điều này có thể mang đến cho họ cảm nhận về sự chân thành và cũng là một cơ hội để thể hiện sự rộng lượng. Nhưng vì những người vô gia cư sống trên lề đường, họ thường không thể hiện bản thân theo những cách mà chúng ta cảm thấy dễ chịu. Một số người trông giận dữ và khó gần. Một số người nằm co tròn trong chăn ở một góc. Những người khác có thể tức giận chỉ tay vào chúng ta và bảo chúng ta “biến đi”. Đó là cách sinh tồn của họ, vì vậy chúng ta cần phải tôn trọng họ. Bất kể hành động của họ như thế nào, chúng ta luôn luôn có thể mở rộng lòng nhận hậu với họ bằng cách chân thành cầu nguyện cho họ những điều tốt đẹp, hy vọng rằng họ có thể đủ ấm và đủ thức ăn.
Việc mở lòng chăm sóc tất cả mọi người giúp chú ng ta bớt đi sự thờ ơ và sự bất công . Chúng ta thường có một số nguyên tắc dẫn dắt chúng ta đi theo hướng tích cực, nhưng cũng có một số nguyên tắc có thể hạn chế chúng ta. Ví dụ, chúng ta có thể cảm thấy rằng mọi người nên đi kiếm việc thay vì ăn xin. Chúng ta có thể lo lắng rằng nếu chúng ta đem tiền cho người xin tiền, họ có thể mua rượu hoặc ma túy. Chúng ta có thể cảm thấy rằng việc cho tiền những người đói nghèo mang tính chiếu cố hoặc chúng ta có thể cảm thấy rằng đó là giải pháp tầm thường, hời hợt đối với một vấn đề xã hội sâu sắc hơn nhiều – một vấn đề cần được giải quyết một cách quy mô hơn. Đôi khi chúng ta có thể cảm thấy đầy rẫy những đau khổ xung quanh đến nỗi chúng ta quyết định rằng chẳng có việc gì có thể giúp ích được. Hoặc, chúng ta có thể cảm thấy rắc rối phức tạp để lấy ví tiền và tìm kiếm vài đồng lẻ – chúng ta cho rằng việc đó sẽ thu hút quá nhiều sự chú ý.
Nhưng khi một người nào đó nhờ chúng ta giúp đỡ thật sự, làm thế nào chúng ta có thể lờ đi sự nhờ cậy của họ khi mà chúng ta có điều kiện để giúp? Người nghiện cũng phải ăn. Nếu chúng ta cảm thấy lo ngại về việc cho họ tiền, thay vào đó, chúng ta có thể cho họ thức ăn hoặc chăn mền. Họ có thân xác và cảm nhận được cái nóng của mặt trời và cái ướt của cơn mưa trên làn da của họ. Chúng ta nên trân trọng bất kỳ cơ hội nào để đáp lại, bởi vì nó tốt hơn nhiều so với việc đi lòng vòng suy nghĩ về chính mình suốt cả ngày.
Điều quan trọng nhất là tấm lòng đáp lại một khi có cơ hội – việc chúng ta mủi lòng chăm lo cho ai đó tốt hơn việc cứ luẩn quẩn đầu óc. Nếu chúng ta không thể nhận ra cơ hội để giúp đỡ những người đói nghèo thì phần lớn là sự thiệt thòi của chính chúng ta. Cử chỉ nhỏ bé của lòng nhân hậu biến đổi chúng ta; chúng cho ta thấy phần tốt nhất của tâm hồn và kết nối chúng ta với người khác theo cách tốt nhất có thể.
Điều gì thực sự giúp thay đổi thế giới? Nếu chúng ta nhìn xung quanh, luôn luôn có điều gì đó mà chúng ta có thể làm.
Nguồn_ lionroar
Dịch _ Yogavietnam