Cánh cửa sổ lớn nhìn ra tầng trệt cửa hàng tạp hóa, cho cái nhìn toàn cảnh những người đang đi lại trong siêu thị Whole Foods của bang Detroit. Những cụm từ “Tập trung vào cộng đồng,” “Ưu tiên cộng đồng,” và “Niềm tự hào cộng đồng” được treo phía trên cửa sổ. Adria Moses, giáo viên của lớp yoga tối nay, là một trong những người đầu tiên đến lớp.
Moses sửa soạn không gian nơi cô dạy mỗi thứ Ba, bày thảm phía trước lớp học. Cô vui vẻ chào đón mỗi học viên bước vào, nhắc nhở họ bôi tinh dầu mà cô đặt trước cửa ra vào. Một học viên – tìm đến lớp học khi nhìn thấy mọi người rời cửa hàng với tấm thảm yoga – hỏi Moses tại sao cô lại dạy miễn phí. “Yoga báo đáp”, cô trả lời với nụ cười.
Khi lớp bắt đầu lúc 6:30 tối, có khoảng 7 học viên trong lớp. vừa đủ thoải mái cho không gian nhỏ này. Bắt đầu với tư thế “Em bé”, Moses hướng dẫn mọi người thở. Hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng.
Bài học cứ tiếp tục như vậy, tập trung vào hơi thở khi chuyển động qua các tư thế – con bò, con mèo, chó cúi mặt, và cuối cùng tư thế chiến binh. Các học viên giữ thế, nhìn về phía bàn tay trái đang vươn về phía cửa sổ.
“Chúng ta thấy không thoải mái và ngừng thở. Đó là bài học cuộc sống đã dạy,” Moses nói, giọng nói êm dịu của cô vang lên lấn át tiếng ồn ngoài cửa. “Hãy thở ở đây, các chiến binh. Bạn đang thể hiện sức mạnh của mình đấy.”
Lới nhận định này đặc biệt ấn tượng khi được nói bởi Moses, một chiến binh thực thụ, khi mới 24 tuổi đã phải chiến đấu nhiều hơn hết để có thể có mặt giảng dạy ở đây, chứ đừng nói là còn sống.
Thay đổi nhịp độ
Một phần cuộc đời của Moses – suýt chết ở tuổi 19, những ngày dài ở ICU, và cuộc chống chọi với chấn thương tâm lý quá đau đớn đến nỗi cô từng tự sát – đã trở nên mờ nhạt. Nhưng cô vẫn nhớ cảm giác khi được chẩn đoán căn bệnh Crohn khi mới 12 tuổi cho dù hơn một thập kỉ đã trôi qua:”Khi tôi nhận được chẩn đoán, có cảm giác như cả thế giới ngừng ngay.”
Moses không phải là người mới với chứng bệnh tự miễn, ảnh hưởng đến đường tiêu hoá của cô. Cha của cô cũng mắc chứng bệnh này, và cô chứng kiến tình trạng sức khoẻ yếu kém của ông. Trước khi được chẩn đoán với căn bệnh Crohn, cô là đứa con út trong gia đình bốn người con sống ở Inkster, Michigan.
Cô nói gia đình cô rất thân thiết, nhưng cha mẹ cô thì lại không hoà hợp. Khi cô 11 tuổi – cha mẹ cô ly thân và cô chuyển đến sống ở căn hộ một phòng ngủ ở Walled Lake với mẹ và các anh chị – là lúc Moses có những dấu hiệu đầu tiên của chứng bệnh Crohn.
“Tôi không nhận ra các triệu chứng của mình, nhưng khi…mọi thứ im lặng và khi ở một mình, tôi sẽ bị đau bụng và sử dụng toilet nhiều hơn,” Moses nói. Cô tin rằng stress từ việc bố mẹ chia tay đã châm ngòi cho căn bệnh này.
Sau 6 tháng đau liên tục, mẹ cô đưa cô tới gặp bác sĩ, người chỉ nhìn vào các móng tay của cô, đã có thể nói cô cũng bị bệnh tự miễn. “Móng tay tôi hơi bị cong xuống. Mọi người nói đó là tình trạng cong nhẹ hoặc cong sớm, vốn link với chứng Crohn.” Tiếp đó là các cuộc nội soi đại tràng, nội soi ruột diễn ra, cũng như các chẩn đoán chính thức.
Con trai có rủi ro cao hơn con gái với chứng bệnh này. Tuy nhiên, sau tuổi dậy thì, phụ nữ lại có rủi ro mắc bệnh cao hơn do vai trò của hóc môn. Những chứng bệnh về dạ dày như Crohn, có thể gây ra các vấn đề về hình ảnh thân thể, kinh nguyệt, giới tính, kế hoạch gia đình và mãn kinh ở phụ nữ. Việc thăm khám bác sĩ diễn ra thường xuyên hơn, có thời điểm, cô phải uống 6-8 loại thuốc mỗi ngày. Cô buộc phải làm một lịch uống thuốc, và mẹ cô sẽ gói sẵn thuốc khi cô di chuyển sống giữa hai gia đình.
Năm 14 tuổi, nguồn tham khảo khả thi nhất mà Moses có thể hỏi về hướng trị liệu là từ cha của cô. Tuy nhiên, ông coi thường các triệu chứng và thường nhận định rằng chỉ cần tinh thần mạnh mẽ là có thể đối phó với Crohn. Moses nói là lời khuyên này cùng với việc không đồng tình triết lý sức khoẻ của bác sĩ và việc tình trạng bệnh không cải thiện đã dẫn đến việc cô càng không uống thuốc thường xuyên.
“Tôi đã rất khổ sở,” cô kể lại. “Tôi phải chịu đựng cơn đau mỗi ngày. Tôi không muốn uống thuốc vì nó chẳng giúp được gì.”
Tuy nhiên cô vẫn cố gắng vượt qua giai đoạn thiếu niên. Cô chạy và chơi bóng chuyền khi bước vào lớp 9. Cô đã nghĩ là những bài tập mạnh mẽ sẽ giúp chống lại bệnh tật, nhưng nó lại làm triệu chứng tệ hơn. Cô mắc bệnh zona khi mới 16 tuổi – một phần do tác dụng phụ của thuốc – và phải rời khỏi đội.
Về học tập, cô cũng không có thành tích tốt, nhưng không phải do không có khả năng. Thật ra, điểm ACT cao cùng với bài luận cảm động viết về cuộc sống trung học khi mắc bệnh Crohn đã giúp cô được nhận vào trường đại học Oakland mặc dù điểm không cao.
Mặc dù trước đây có mối quan hệ không hoà hợp, Moses vẫn chuyển đến sống với cha, người mở một trung tâm chăm sóc sức khoẻ gần nhà ông ở Dearborn, và bắt đầu đại học. “Lúc đó, chúng tôi chẳng có mối quan hệ mà có thể biểu hiện cho tình cảm cha con. Tôi mong muốn điều đó. Tôi cảm giác mình cần ông.”
Giữa các buổi học, cô sẽ làm việc ở trung tâm, pha nước uống cho các học viên và học thêm về huấn luyện sức khoẻ cá nhân. Đôi khi, mặc dù gặp khó khăn khi vào thế, cô vẫn tham gia lớp tập yoga.
“Tôi không thích yoga…tôi mới 17-18 tuổi. Cơ thể tôi lẽ ra có thể gập hoặc uốn nhưng lại không thể vì những năm tháng cong người chịu đau đớn,” cô nói “Mỗi ngày cơn đau càng nhiều hơn. Tôi cần ai đó nói là Tôi nên đi bác sĩ. Nhưng chẳng ai cả.”
Cuộc sống mong manh
Moses thật sự cần khám bác sĩ. Cô đã dừng uống thuốc, và một lần nữa học hành kém cỏi ở trường. Để đối phó với cơn đau, cô ngủ giữa những buổi làm và giờ học ở đại học Wayne State, nơi cô chuyển sang học khi 19 tuổi.
Tuy sống cùng nhau, nhưng quan hệ cha con vẫn khá phức tạp. Và đôi khi Moses sẽ dọn sang sống ở căn hộ của mẹ. Ngày 4/8/2013, một trong những đêm tại nhà mẹ. Cô biết có gì đó không ổn, cô lái xe vòng vòng để tự làm xao lãng, trở về nhà, cố gắng ngủ để quên cơn đau bụng. Đến giữa đêm, cô ngồi dậy và thét to.
“Bạn đến cái ngưỡng mà bạn cho là quá mức chịu đựng của mình…nhưng cơn đau này tới mức tôi không thể giải thích nỗi.” Mẹ cô chạy vào phòng và gọi cấp cứu.
Moses nhớ rõ tiếng hú của xe cấp cứu. Cô vẫn nhớ mình đã đến bệnh viện và được thông báo vị bác sĩ cần thực hiện phẫu thuật cấp cứu cho cô đã được gọi. Trong mơ màng, cô nhìn thấy cha mình và cô ngất đi.
Một vài ngày sau, Moses tiếp nhận hỗ trợ hồi sinh, vì cô không thể tự thở. Các bác sĩ thảo luận về trường hợp của cô và quyết định tiến hành một cuộc phẫu thuật khác.
“Tôi có thể nghe họ nói, và mẹ tôi đã “Shh, đừng làm ồn,” Moses kể lại, nước mắt vòng quanh khi nhớ lại ký ức ICU. “Tôi viết lên một tờ giấy cho bà,”Con không sợ.”
Cuối cùng, cô được biết rằng cơn đau của cái đêm ở nhà mẹ cô là kết quả của sốc nhiễm trùng do thủng ruột – một triệu chứng liên quan đến chứng Crohn làm mọi thứ đang hoạt động trong cơ thể Moses tràn vào khoang bụng cô. Các bác sĩ cắt đi 12cm ruột non và ngày 8/8, cô được dừng hỗ trợ hồi sức.
Trước khi phẫu thuật cô cân nặng 52kg, thiếu nước, suy dinh dưỡng. “Khi bạn mắc bệnh này, cơ thể bạn không thể tiếp nhận chất dinh dưỡng như trước…điều này gây ra tình trạng suy dinh dưỡng và thiếu máu. Trong thời kì phẫu thuật, tôi bị mất nước vì trên cơ bản là tôi đang hấp hối.”
Sau đó, cô được 86kg, người đầy những chất lỏng cần cho sự sống còn.
Và khi cô bắt đầu có hình dạng mới, cô nhận thấy một điều: một vết thương hở được khâu bằng chỉ chạy dọc theo chiều dài của bụng. Hai ống được định vị bên dưới.
Tôi vẫn nhớ cảm giác sợ hãi đó. (Tôi tưởng tượng) cảm giác đó như là khi người ta không còn chân tay vậy.”
Học cách thở lại
Sinh nhật 20 tuổi của Moses diễn ra ở bệnh viện. Và trong vài tháng trôi đi, cô dành thời gian ở nhà mẹ, ở ICU, sàn bệnh viện để tập đi và chữa lành vết thương.
Đến tháng 4/2014, gần 10 tháng sau cuộc phẫu thuật khẩn cấp đó, Moses vẫn đau. Vết thương của cô đã lên sẹo và cô vẫn phải uống thuốc chống lo lắng để trị bệnh PTSD (rối loạn căng thẳng sau chấn thương) và trầm cảm. Cô cần thứ gì đó để giúp tâm trí cô ổn định sau công việc hàng ngày, và cô tìm đến Bikram yoga ở một studio gần nhà.
Trải nghiệm duy nhất cô từng có với yoga là cố gắng vào thế ở studio của cha mình. Nhưng cái ý tưởng về một phòng tập nóng nghe có vẻ hấp dẫn cho dù cô đau thế nào. Cô không chắc chắn về quyết định của mình nhưng khi cô cố gắng trải qua giờ tập, điều gì đó thay đổi.
“Đó là thứ duy nhất giúp tôi kết nối với cơ thể,” Moses kể, cô đã để lộ vết sẹo của mình lần đầu tiên trong Bikram, nhiệt độ nóng đã buộc cô phải tập luyện với áo bra thể thao. “Nó cho cảm giác như tôi đang thở. Tôi có thể cảm nhận các giác quan một lần nữa; tôi cảm thấy mình sống lại.” Cô xăm chữ “warrior” bằng tiếng Ả Rập ngay trên vết sẹo, đó là huy hiệu danh dự mà cô tự xưng.
Moses vẫn đi học, và cuối cùng cô cũng chuyển đến trung tâm sức khỏe của cha cô ở Southfield. Cô vẫn đang chữa bệnh – cả về thể chất lẫn tinh thần – nhưng cô biết cái cách yoga làm cô cảm nhận là thứ cô không thể lơ là. Vì vậy cô bắt đầu theo học chứng chỉ để có thể tự đi dạy.
Tái khám phá yoga không phải là giải pháp trọn vẹn. Cho dù tìm được tình yêu mới với bộ môn này, cô vẫn phải đương đầu với tình trạng sức khỏe tâm thần sau cú sốc phẫu thuật, và vụ tự sát suýt chết năm 2014.
“Tôi không thể đi làm (toàn thời gian). Tôi không thể đi học. Về tiền bạc, không ai có thể giúp đỡ tôi. Chiếc xe tôi thuê năm 18 tuổi bị thu hồi vì không ai trả tiền cho nó.” Một chuỗi bất hạnh nối tiếp khiến Moses tự vấn: “Tại sao mình lại ở đây?”
Khi thời gian qua đi, cô kết thúc mối quan hệ không vui vẻ, tìm được một bác sĩ hợp tác hơn cùng liều thuốc mà cô thấy dễ chịu hơn khi uống, bắt đầu công việc trợ lý tại công ty mỹ phẩm The Lip Bar ở Detroit, hoàn thành khóa học đào tạo giáo viên yoga vào năm 2016. Chậm nhưng chắc, cô đang tái xây dựng bản thân.
“Tôi được cứu sống và tôi biết điều đó,” cô nói. “Tôi có trải nghiệm mà kể cho các bạn, đời sẽ khó khăn, tăm tối và đầy sợ hãi. Nhưng bạn té ngã 7 lần, bạn phải đứng dậy 8 lần. Tôi không sợ nhiều lắm, vì tôi biết đồng xu vẫn còn một mặt bên kia mà.”
Uốn nhưng không vỡ
Trở lại phòng cộng đồng của siêu thị Whole Foods, lớp học đang thả lỏng. Sau gần 1 giờ tập Vinyasa, các học viên được hướng dẫn ngồi xuống.
“Chú ý cảm giác của bạn lúc này và khi bạn mới bước vào lớp học,” cô nói, năng lượng của phòng tập đặc biệt yên tĩnh khi mà tiếng loa siêu thị vang lên. Một vài khoảnh khắc trôi qua trước khi Moses nói “Namaste” rồi các học viên kết thúc buổi tập. Một người phụ nữ lớn tuổi với những hạn chế về thân thể nói cám ơn Moses vì đã kiên nhẫn.
Những khoảnh khắc hòa nhập như vầy là phần trung tâm của môn yoga mà Moses dạy. Cô không thuộc một studio nào và cô mở lớp pop-up ở những nơi không ngờ tới quanh Detroit như siêu thị Whole Foods, Détroit Is The New Black, Live Cycle Delight, và Lululemon, nơi mà cô là đại sứ.
Khảo sát dân số Mỹ cho thấy có 16% người bị trầm cảm và 11% mắc chứng lo lắng, khoảng ¼ số người bị bệnh Crohn bị trầm cảm và gần 40% bị bệnh lo lắng.
Moses tin là với bộ môn yoga, cô có trải nghiệm đầu tiên với khả năng giảm stress và các tác dụng tâm thần hữu ích của nó, vốn rất quan trọng trong việc điều hướng cơn đau. Tuy nhiên, cô vẫn nhớ cảm giác đi học yoga mà lại không thấy mình thuộc về nơi đó. Đó là lý do tại sao cô muốn lớp học của cô có thể dành cho những người cảm thấy họ không phù hợp với những khuôn mẫu yoga vì chủng tộc, mức thu nhập hoặc như Moses, bị bệnh.
“Điều đưa tôi đến với yoga mỗi ngày là sự kết nối của tâm trí, cơ thể và tinh thần,” cô nói. “Tôi yêu việc đặt chân lên thảm, và chuyển động, rồi cảm thấy tự do. Mặc dù tôi mắc bệnh Crohn, tôi tự do khỏi căn bệnh của mình. Tôi đang sống cuộc đời tươi đẹp nhất của mình.”
Crohn là bệnh gì?
Theo Wikipedia, Crohn là một loại bệnh viêm ruột có thể ảnh hưởng đến bất kì phần nào của đường tiêu hóa từ miệng đến hậu môn. Những người bị bệnh này thường mất khả năng điều hòa của hệ miễn dịch trong đường ruột.
Nguồn: Hour Detroit
Dịch bởi Yogavietnam