Bạn không cần phải là fan cuồng của nhà thơ Shel Silverstein (tác giả truyện Cây táo yêu thương – The Giving Tree) để biết rằng cây cối mang đến cho chúng ta những đặc ân gì. Người bạn thân gỗ của chúng ta cô lập khí CO2, nguồn khí nhà kính gây biến đổi khí hậu. Ngay cả những loại cây nhỏ nhất cũng có thể lọc không khí, thu lại những hạt gây ô nhiễm và giải phóng oxy mang lại sự sống. Cây còn có tác dụng làm mát; bóng râm và việc thoát hơi nước có thể giúp giảm nhiệt độ mùa hè đến 9 độ.
Đó là lý do tại sao các nhà lập pháp ở Philippines đề xuất yêu cầu mới cho việc tốt nghiệp: Trước khi rời trường tiểu học, trung học và đại học, mỗi học sinh sinh viên trên quốc đảo này phải trồng 10 cây xanh.
Dự luật này đã được Hạ viện thông qua nhưng chưa được đồng thuận từ phía Thượng viện, khiến việc đưa nó vào hành động có vẻ không chắc chắn. Nhưng điều đó không ngăn chặn những người đề xướng được nhắc đến trên truyền thông thế giới vì mục tiêu trồng cây lâu năm đầy tham vọng này. Nếu “Dự luật Di sản tốt nghiệp vì môi trường” được thông qua, chính phủ sẽ chịu trách nhiệm cho mọi thứ từ việc sản xuất hạt giống cho đến giám sát sự tăng trưởng của cây xanh. Học sinh sinh viên tham gia ở giai đoạn giữa, tức là trồng cây thực tế.
Để đảm bảo mỗi cây đều được tính, các tác giả của dự luật này đặt ra vài quy tắc. Một trong số đó là nó ưu tiên trồng các loại cây bản địa hơn là cây giống nhập khẩu, một bước quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học địa phương. Ví dụ như cây Narra vốn là cây quốc gia có mùi hương hoa hồng của Philippines đang bị tuyệt chủng ở một số vùng, nên nó được ưu tiên cao trong việc bảo tồn. Dự luật cũng chỉ đạo những nơi sinh viên có thể trồng cây; theo tự nhiên, đó là những vùng đất thuộc sở hữu của chính phủ, từ rừng mưa nhiệt đới đến rừng ngập mặn đại dương và cả cây xanh đường phố.
Dân biểu Gary Alejano, đồng tác giả dự luật, nói rằng nếu mỗi học sinh sinh viên trồng 10 cây thì sẽ mang lại 175 triệu cây mới ở Philippines mỗi năm – hoặc 525 tỷ cây cho mỗi thế hệ. Đó là một mục tiêu tham vọng, bởi vì không phải tất cả các cây đều sống sót, đặc biệt những cây xanh đô thị. Một báo cáo về cây xanh đường phố tại Mỹ cho thấy tuổi thọ cây xanh trung bình từ 19-28 năm, tương quan với tỷ lệ cây chết hàng năm từ 3.5-5.1%. Cứ 100 cây trồng trên đường phố thì theo dữ liệu chỉ một nửa sẽ sống còn đến khi người trồng tốt nghiệp trung học.
Thống kê ảm đạm này không phải là lý do để dừng trồng cây. Đó là lý do thúc đẩy trồng thêm cây và trồng một cách hệ thống hơn. Ở nhiều thành phố ở Hoa Kỳ, những tán cây đô thị đang giảm sút mặc dù đã có nhiều dự án như sáng kiến triệu cây, một cam kết của chính quyền thành phố nhằm tăng số lượng cây xanh trong vùng. Cần thực hiện nhiều nghiên cứu hơn để hiểu chính xác lý do tại sao một số cây phát triển mạnh trong một số môi trường, trong khi những cây khác nhanh chóng chết. Nhưng rõ ràng trồng cây mới là không đủ. Ở những nơi con người và thực vật sống cùng nhau, thiên nhiên cần được tích cực quản lý. Cây con có thể phát triển mạnh trong các mỏ bị bỏ hoang (một trong những địa điểm mà Philippines đưa vào danh sách trồng cây), nhưng cây đường phố cần người cắt tỉa, kiểm soát chất lượng đất và kiểm soát sự lây lan của loài xâm lấn.
Dự luật của Philippines phải đối mặt với nhiều trở ngại về mặt chính trị và tự nhiên. Nhưng đó là lời nhắc nhở cần thiết là bất cứ ai, bất cứ nơi đâu cũng có thể tạo sự khác biệt bằng cách trồng cây, hoặc bằng cách kiểm tra tình trạng sức khỏe của người bạn khổng lồ đầy lá đã luôn có mặt quanh ta.
Nguồn: popsci.com
Dịch bởi Yogavietnam