Mặc dù tập yoga là để phục hồi, nhiều học viên và giáo viên nhận ra một cách đau lòng rằng nó cũng có thể gây hại cho cơ thể. Theo Hiệp hội Chấn thương Chỉnh hình Mỹ (American Academy of Orthopedic Surgeons – AAOS) những chấn thương thường thấy bao gồm sự căng cơ lặp đi lặp lại hoặc sự dãn cơ ở phần cổ, vai, xương sống, chân và gối. Nhưng chẳng phải yoga vốn là một bài tập nhẹ nhàng, khác với những hoạt động mạnh có thể làm hại xương, gân, dây chằng và cơ hay sao?
Một cuộc khảo sát trong phạm vi quốc tế với 33.000 giáo viên yoga, chuyên gia trị liệu và các bác sĩ lâm sàng đến từ 35 quốc gia (xuất bản trong số tháng 1 năm 2009 của tạp chí International Journal of Yoga Therapy) đã phát hiện ra rằng những người trả lời phỏng vấn thường đổ lỗi chấn thương yoga cho năm điều: học viên cố quá sức (81%), giáo viên không được huấn luyện đủ (68%), nhiều người tập yoga tổng thể (65%), do tiền sử bệnh (60%), và các lớp học quá đông (47%).
Nguyên do sĩ diện
Nếu có thể đổ lỗi cho bất cứ thứ gì, thì sẽ là lỗi của duy nhất một thái độ: hăng hái quá mức. Tham vọng quá đà là một điều nguy hiểm, đối với cả giáo viên hướng dẫn và với cả học viên cố vượt qua giới hạn của mình. Kelly McGonigal, tổng biên tập của International Journal of Yoga Therapy và là tác giả của cuốn sách, Yoga for Pain Relief (New Harbinger, 2009) cho biết: “Hầu hết các chấn thương yoga đều do tập quá mức hoặc do quá sĩ diện”. Cô gợi ý rằng người mới tập ít bị chấn thương hơn những yogi tâm huyết và nhiều kinh nghiệm đang muốn nâng tầm độ khó của bài tập. Theo kinh nghiệm của cô thì thực ra các giáo viên yoga đang học việc lại có tần suất chấn thương cao nhất.
McGonigal nhận định: “Từ việc đang lạc lõng giữa lớp học yoga, đột nhiên một ngày bạn có thể dễ dàng chạm vào ngón chân, hoặc trồng cây chuối, hoặc giữ thăng bằng trên cánh tay của bạn. Khi đó bạn muốn phải trở nên giỏi hơn nữa, phải tìm ra tiềm năng của mình. Bạn muốn làm giáo viên hài lòng vì họ đã truyền cảm hứng và giúp đỡ bạn rất nhiều. Bạn tin vào lý thuyết và quên mất phải lắng nghe cơ thể. Đó là lúc bạn đặt ra mục tiêu khác, lúc cái tôi làm chủ, và là lúc những rắc rối bắt đầu.”
Sự kết nối giữa giáo viên và học viên
McGonigal nhấn mạnh rằng: “Đừng bao giờ đổ lỗi cho các tư thế tập. Đó là do sự tổng hợp của cá nhân học viên, tư thế, và niềm tin của giáo viên/học viên về tư thế đó đã gây ra rắc rối.” Khi nói ‘niềm tin’, cô nói về sự chắc chắn quá mức về khoảng thời gian nên giữ một tư thế, về việc tạo dáng đúng, hoặc một cách thực hiện động tác nào đó.
Ngoài những chấn thương thể chất thông thường, còn có “các vết thương tâm lý (vết thương lòng) gây ra do giáo viên quá sốt sắng và quá nghiêm”, Molly Lannon Kenny, một nhà trị liệu yoga và là chủ sở hữu kiêm giám đốc điều hành của Trung tâm Samarya ở Seattle cho biết. Không may là, học viên luôn muốn làm giáo viên hài lòng, nên họ có thể sẽ cố quá sức để làm theo giáo viên. Kenny nói rằng, với tư cách là giáo viên, bạn phải phá bỏ mối quan hệ thầy-trò trong văn hóa yoga.
Kenny nói: “Cả giáo viên lẫn học viên đều cần thực hành svadhyaya (tự nghiên cứu) để biết được nguồn cội khao khát của mình. Không nên tự huyễn hoặc bản thân rằng bạn sẽ giúp cho học viên làm được động tác đưa chân lên đầu, mà hãy đầu tư công sức vào việc tìm hiểu bản thân họ và giúp họ vượt qua giới hạn của bản thân.”
Tạo không khí hợp lý
Một cách giúp học viên sẵn sàng tâm thế là khắc họa yoga như một trải nghiệm, chứ không phải một thứ phải làm. Thường thì thách thức đối với các giáo viên là phải cân bằng giữa tinh thần không cạnh tranh của yoga với mục đích thúc đẩy học viên hoàn thiện asana (tư thế). Một ‘asana’ được định nghĩa là một chỗ ngồi chắc chắn và thoải mái, vì thế không có asana nào là hoàn hảo, Kenny nói vậy. Một asana sẽ hoàn hảo đối với một người ở một khoảnh khắc nhất định. Một giáo viên dày dạn kinh nghiệm là người nhìn ra được trình độ của học viên và động viên học viên thực hành ở mức độ hợp lí. Để thúc đẩy được học viên thì phải dựa vào một mối quan hệ giữa học viên và giáo viên, khi đó sự tiến bộ sẽ là nhìn nhận được nỗi sợ của bản thân và vượt qua được nó với tinh thần yoga.
McGonigal dạy một workshop tên là “Hoàn Hảo Sẵn Rồi”, trong lớp đó học viên sẽ nhắm mắt tập yoga. Cô ấy nói rằng đã phải mất nhiều năm trời – cùng với nhiều lần “chấn thương vì đuổi theo sự hoàn hảo” – để ngộ ra rằng asana không phải là một thứ để hoàn thiện mà là một trải nghiệm. “Luôn tự thúc đẩy mình làm tốt hơn, cải thiện, làm nhiều lên trong cuộc sống hàng ngày, đó chính là lí do khiến việc thực hành yoga là cần thiết trong văn hóa của chúng ta. Chúng ta không cần yoga để hồi phục từ buổi tập yoga,” cô nói như vậy. Nhưng tư tưởng này rất khó để giáo viên làm theo, vì họ đã được huấn luyện để sửa dáng, điều chỉnh cho học viên và tự hoàn thiện bài thực hành của họ.
Dạy cách trải nghiệm, không phải dạy sự điêu luyện
Ngược với tư tưởng đạt thật nhiều thành tích, đôi khi bạn sẽ nhận ra rằng luyện tập sâu một động tác sẽ có lợi cho học viên của mình hơn. Nhưng động viên học viên tập sâu không chỉ là thúc đẩy họ về mặt thể chất. Maty Ezraty, giáo viên ở Honokaa, Hawaii nói rằng “Giáo viên nên chỉnh sửa học viên ở mặt nhận thức, ví dụ như giúp học viên biết nghe hơi thở của mình, biết mình đang đặt tay/chân ở đâu hay biết khi nào sống lưng đang cong.” Những sự điều chỉnh về mặt thể chất thì mang tính rủi ro hơn, cô Maty nhấn mạnh rằng giáo viên cần phải thực sự hiểu về học viên trước khi đoán xem cơ thể họ có thể di chuyển theo cách nào.
Ezraty nói rằng giáo viên cần phải kiềm chế khao khát “sửa dáng” của học viên, điều này sẽ làm họ nghĩ rằng mình đang làm sai và/hoặc cơ thể họ có vấn đề. “Điều bạn nên làm là chỉ cho học viên những bước để có thể cảm nhận các tư thế, ví dụ cách bạn ấn chân xuống, trách cong lưng hoặc cách thăng bằng.” Cô nói rằng người hướng dẫn cần tập trung vào quá trình dạy chia làm hai phần: cho học viên biết những gì họ cần làm, và dạy họ những gì họ không nên cảm thấy khi thực hành. “Ví dụ tôi sẽ nói là ‘Hãy bấm lòng bàn chân xuống thêm’ hoặc tôi sẽ gợi ý dùng chăn hoặc các dụng cụ khác. Điều quan trọng là giáo viên để cho học viên tự tiếp cận với những cảm nhận khi họ bắt đầu hoặc giữ một tư thế ”
Mẫu số chung thấp nhất
Làm sao để nhận ra học viên đang cố quá mức? Molly Lannon Kenny nói: “Là một giáo viên, hãy đặt mình vào vị thế học viên.” Dành thời gian theo dõi và quan sát cơ thể của học viên và cách họ tiếp cận bài tập. Tức là phải đánh giá học viên ngay từ lúc bắt đầu, trước khi họ cúi xuống động tác chó úp mặt. Người hướng dẫn cần phải đong đếm nhu cầu và thử thách của học viên, tìm hiểu bất kì các vấn đề sức khỏe, và xác định mục tiêu tập yoga của họ – vì sao họ lại vào lớp này?
McGonigal cho biết, mục tiêu là dạy tất cả các học viên ở các trình độ khác nhau hoặc ở mẫu số chung thấp nhất, chứ không phải chỉ những người giỏi nhất. “Hầu hết các lớp học cho mọi trình độ cho rằng mình không gây ra thương tích, nhưng không phải vậy. Hãy soạn bài tập từ trải nghiệm của một học viên với các hạn chế: nếu một người trong lớp không chịu được trọng lượng bằng tay, làm sao mà họ có thể làm tư thế chào mặt trời được?
McGonigal gợi ý rằng trình tự tập phải được tùy chỉnh để không một học viên nào phải cảm thấy lạc lõng hoặc thấy mình thất bại trong 15 phút trong khi những người khác đang tập đến những động tác bẻ gập khó. “Giáo viên cần xây dựng các tư thế hoặc trình tự tập từ cơ bản trở lên, lồng ghép các trình độ vào”.
Ví dụ, nếu bạn đang dạy tư thế nâng cao như Natarajasana (Tư Thế Vũ Công), sẽ hợp lí nếu bạn dạy trước các phần nhỏ của tư thế này vì nó phù hợp với người mới bắt đầu hoặc trình độ trung cấp, trong trường hợp này đơn giản là gập lưng và thế cân bằng. Khi học viên trình độ cao hoàn thiện tư thế, những học viên khác sẽ biết phải thay đổi cách tập khác thế nào để đạt kết quả tương tự.
Định nghĩa sự “Làm Đúng”
Học viên hay hỏi, “tôi có đang làm đúng không?” Nhưng cảm nhận của họ khi thực hiện và giữ tư thế quan trọng hơn là “làm cho đúng”. McGonigal và Kenny đều đồng ý rằng trong yoga, trải nghiệm mọi người đều khác nhau, và mỗi cá nhân phải tự định hình xem thế nào mới là cảm nhận chuẩn. Giáo viên không thể mô tả chính xác cảm xúc học viên sẽ cảm nhận được khi tập tư thế. Giáo viên chỉ có thể hướng dẫn – và điều đó đòi hỏi phải tìm ra một cánh cửa đi vào trải nghiệm của học viên.
Nhìn và lắng nghe có thể cho bạn gợi ý về cảm nhận của học viên – họ có đang nín thở, cằn nhằn, đổ mồ hôi, rung lắc hay nghiến răng không? McGonigal cũng thích đặt ra câu hỏi ví dụ như “Bạn có mong kết thúc tư thế này không?”
“Đó không phải là dấu hiệu tốt”, cô thừa nhận. “Tôi cũng hỏi họ, ‘Bạn có thể thay đổi gì trong tư thế này để có thể giữ động tác này thêm 2 hơi thở, 20 hơi thở và 200 hơi thở nếu cần?'”
Điều quan trọng là, Kenny bổ sung, cho học viên các từ vựng để diễn đạt cảm nhận. “Nếu học viên miêu tả cảm giác như ấm áp hay ngứa ran, thì không sao, nhưng nếu dùng những từ như nhói, nhức, rung và rát để mô tả cảm giác, thì là có vấn đề”, cô nói.
“Tôi đưa ra các gợi ý để học viên nghĩ được ra từ mô tả, và tôi nói rõ ràng rằng họ có thể tua tới tua lui các động tác. Nếu thấy không ổn, hãy quay lại động tác cuối cùng vừa tập mà thấy ổn,” cô McGonigal gợi ý. “Nó không phải là chỉnh sửa mà là các tùy chọn cho mình.”
Yoga là thứ phải trở nên linh hoạt, chứ không phải học viên. McGonigal nói: “Tôi không bao giờ cho rằng một học viên nên thúc mình tiến xa hơn hoặc sâu hơn vào một tư thế theo cách thể chất. Tôi muốn học viên cảm nhận sâu về tư thế. Tôi muốn họ hoàn toàn tập trung vào một tư thế. Tôi muốn để họ trải nghiệm rằng khi thực hiện một tư thế không có gì là sai cả. Đó là thứ mà bạn không thể đo lường bằng khoảng cách gập người hay bằng thời lượng trồng cây chuối.”
Nguồn: Yoga Journal
Dịch bởi Yogavietnam
Cám ơn chị Trang, em rất thích bài này