Satya (sự trung thực), thực hành thứ hai trong 5 thực hành yamas (những kiềm chế) được mô tả trong kinh Yoga Sutra, hướng dẫn chúng ta suy nghĩ, nói năng và hành động với sự chính trực. Từ “sat” có nghĩa là “cái tồn tại, cái chính là”. Vì vậy, satya là nhìn thấy và truyền đạt mọi thứ như chính cái cách chúng thực sự là, chứ không phải là cái mà chúng ta muốn chúng là. Điều này có thể khá khó khăn vì chúng ta đều nhận thức về cuộc sống thông qua tư duy có điều kiện: suy nghĩ, niềm tin và trải nghiệm đã qua của chúng ta định hình và tô màu cho những thứ chúng ta thấy, và , như thế, không ai trong chúng ta nhìn một sự kiện cùng một cách. Thêm nữa, điều chúng ta xem là sự thật một ngày nào đó sẽ không còn là sự thật mà chúng ta sống. Thực hành satya đòi hỏi ta cởi mở với sự thật trong khoảnh khắc hiện tại, như cái cách chính nó thể hiện. Không phải lúc nào cũng là việc dễ làm, như tôi được học lần đầu tiên nhiều năm trước đây.
Sở hữu sự thật
Là một sinh viên đại học, tôi nghĩ mình là người thật thà, dĩ nhiên, trừ những lời nói dối vô hại sẽ thốt qua miệng khi tôi không muốn tổn thương ai đó hoặc thừa nhận điều gì đó với cha mẹ. Nhưng, tôi nhận ra rằng, những lời nói dối có thể là phản ứng tự động đến nỗi mà ta không nhận thức được khi nói, hoặc đến nỗi gây tổn thương cho người khác hoặc bản thân ta trong quá trình đó.
Ngày nọ, anh bạn thân Don gọi đến và hỏi tôi muốn tiệc tùng tối đó không. Tôi nói rằng tôi rất thích, nhưng tôi không khỏe chút nào. Và khi tôi nói vậy, tôi bắt đầu cảm thấy mệt và tự dưng thấy nhớ cái ghế đi-văng của mình. Tôi chỉ muốn trú trong một cái chăn ấm, uống tách trà hoa cúc và đọc một quyển sách trinh thám.
Thông thường Don, một người tử tế, sẽ thông cảm và hỏi tôi có cần giúp gì không. Nhưng không phải hôm đó. Với giọng nói lặng lẽ, đầy thực tế, anh bảo, “Bồ biết không, nếu bồ không muốn đi chơi, cứ nói vậy. Bồ không cần phải giả vờ bị ốm.”
Đối mặt với việc bị Don thẳng thừng chất vấn, tôi cố bảo vệ một cách yếu ớt rằng không, tôi không giả vờ, tôi thật sự bị bệnh. Nhưng anh không buông tha tôi. “Bồ biết không, bồ thường làm điều này nhiều lần. Mỗi lần bồ không muốn làm gì, bồ sẽ nói mình bị bệnh.” Anh ấy không tức giận, anh nói, anh lo lắng khi tôi không cảm thấy cần phải thành thật với anh. Tôi lầm bầm vài lời phản đối và dập máy. Tôi cảm thấy bị vạch trần ghê gớm. Tim tôi đập nhanh. Cơ thể run lên. Mặt đỏ bừng. Nếu anh đứng đó trước mặt tôi, tôi sẽ không thể nhìn thẳng vào mắt anh. Và rồi điều này bật lên: Chúa ơi, anh ấy đúng. Tôi đang nói dối.
Bắt chước điều tôi đã từng thấy
Tôi không chỉ nói dối với bạn bè tôi, và quan trọng hơn hết, tôi nói dối với chính bản thân mình. Không nhận thức được điều đó, tôi đã biến hình thành mẹ mình. Tôi học kiểu phản ứng này từ chính mẹ tôi – một người phụ nữ nhập cư trẻ ở một đất nước xa lạ, không biết tiếng, với 3 đứa con nhỏ và một ông chồng hay đòi hỏi. Từ khi còn bé, tôi vẫn nhớ bà hay bị bệnh sau khi hồi sức từ một ca phẫu thuật. Nhưng ngay cả khi bà khỏe hơn, đối với tôi bà vẫn dùng lời giải thích rằng mình bị bệnh thường xuyên, đặc biệt khi cha tôi say xỉn, nổi giận hoặc muốn ra ngoài trong khi bà thì không. Những lúc đó, tôi nhìn thấy người phụ nữ bình thường vẫn rất tài giỏi, người tôi yêu thương tha thiết, mở vỉ thuốc bác sĩ cho và mờ dần trước mắt tôi, như là bà thu nhỏ mình lại để trốn tránh những tình huống bà không xử lý được.
Và bây giờ tại đây tôi gần như làm điều tương tự. Don nói đúng – đó trở thành câu trả lời mặc định của tôi. Tệ hơn nữa, mỗi lần tôi nói vậy, tôi thật tình nghĩ mình không khỏe. Tôi còn cảm thấy những triệu chứng cơ thể. Vì nói tôi bị bệnh, tôi đang làm mình bệnh. Khi chúng ta dối trá, nhà hiền triết nói, chúng ta cắt kết nối với cái tôi cao quý hơn; tâm trí ta bị bối rối, và chúng ta không tin cả bản thân mình. Tôi không còn biết được sự thật của chính mình. Tôi còn nói dối điều gì với bản thân mình nữa đây? Tôi tự hỏi.
Yêu thương đi trước sự thật
Chúng ta có nên nói với bạn bè những điều chúng ta nghĩ về hành vi của họ, như Don làm với tôi? Đây là chỗ mà nguyên tắc satya trở nên phức tạp hơn. Satya theo sau ahimsa (không bạo lực), yama mức cao nhất. Điều này có nghĩa là chúng ta nên tuân theo nguyên tắc không gây hại trước và nên nói ra sự thật khi nó không gây hại, hoặc bằng cách nào đó gây hại ít nhất. Triết gia Hi Lạp Sophocles nói rằng: “Thật sự, nói dối không vẻ vang gì cả; nhưng nếu sự thật sẽ mang đến tổn hại to lớn, nói dối một cách đáng hổ thẹn vẫn có thể được tha thứ.” Hơn nữa, kinh Yoga Sutra (2.36) có nêu rằng khi chúng ta thực hành hoàn hảo satya, chúng ta đạt được siddhi (sức mạnh) để biểu lộ ngôn ngữ của chúng ta – những gì ta nói sẽ thành sự thật. Vì lý do này, chúng ta cần đặt ahimsa trước và lưu tâm rằng những gì ta nói sẽ có lợi ích một cách từ bi và nhẹ nhàng. Theo sự thông thái của các nhà hiền triết, chúng ta nên im lặng hơn là nói ra sự thật có tính khắc nghiệt và tàn nhẫn. Trước khi chúng ta đưa ra ý kiến không mong muốn hay lời chỉ trích, người xưa khuyên ta hãy ngừng lại và xem xét: điều này có thật không? Điều này có cần thiết không? Điều này có hữu ích không? Điều này có tốt lành không?
Sự thật cho chúng ta tự do
Trong trường hợp của tôi, Don hành động với tình yêu thương và sự quan tâm, và tình bạn lâu dài của chúng tôi đủ mạnh để tôi nghe và chấp nhận lời anh nói. Một năm trước đó, anh đã tin tưởng và chia sẻ cho tôi nghe rằng anh là người đồng tính – một sự thật đầy rủi ro trong những năm 1970 – điều này đã đặt mức độ thành thật lên mức cao. Kể cả như vậy, nếu tôi không sẵn sàng đối diện với sự thật của chính mình, những lời anh nói có thể gây tổn thương, hoặc kết thúc luôn tình bạn của chúng tôi. Nhưng thay vào đó, Don mở đường cho tôi tự kiểm tra bản thân. Vì anh ấy yêu thương tôi đủ để thẳng thắn với tôi, tôi quyết định mình cần can đảm đủ để thừa nhận hành động của mình. Và rồi một thời gian sau trong năm đó, tôi bắt đầu tập yoga. Từng chút một, các asana và các nhịp thở cơ hoành giúp giải phóng sự thật chất chứa trong cơ thể tôi, và việc tụng mantra cùng với ngồi thiền dần tiết lộ cái căn nguyên cho những hành vi cảm xúc và tinh thần của tôi. Một vài khuôn mẫu dễ dàng phân biệt và thay đổi; một vài kiểu hình khác nằm sâu tận bên trong làm tôi vẫn đang trong quá trình nhổ bỏ chúng. Tôi càng khai quật sâu các tầng lớp của sự dối trá, tôi càng khám phá được nhiều thứ cần giải quyết hơn. Nhưng mỗi lớp mà tôi đào lên giúp tôi tiến sâu hơn vào bên trong cái lõi nội tại của mình. Và tôi nhận ra tôi càng thành thật với chính mình – theo cái cách chấp nhận, không phán xét, vui vẻ và yêu thương – thì mọi người càng nhận thấy sự thành thật khi họ ở gần tôi.
Có thể được là chính bản thân chúng ta là một sự tự do to lớn, hơn là giấu mình sau tấm mặt nạ của cái mà ta nghĩ người ta muốn chúng ta trở nên như vậy. Nó làm cho chúng ta tự nhiên, thanh thoát hơn, đồng điệu hơn với khía cạnh sáng tạo trực quan của chúng ta ,và cuối cùng là cởi mở hơn với việc khám phá sự thật sâu thẳm nhất – Sự tự nhận thức. Khi chúng ta lột bỏ các tầng lớp điều kiện văn hóa, chúng ta mở rộng niềm tin để đón nhận những quan điểm mới, và khi chúng ta làm sạch các không gian bên trong, chúng ta bắt được nhiều cái nhìn thoáng qua của cái tôi thật sự của mình.
Vài điều về tác giả: Irene (Aradhana) Petryszak trước đây là biên tập viên cấp cao của tạp chí Yoga International. Cô đã giữ chức Chủ tịch Viện Himalayan từ năm 1996 đến 2008. Cô có bằng Thạc sĩ ngành Đông phương học và đã học và tập luyện yoga trong 30 năm ở Mỹ và Ấn Độ dưới sự hướng dẫn của Swami Rama và Pandit Rajmani Tigunait. Cô dạy thiền định và triết lý yoga tại Viện Himalayan.
Nguồn: Yoga International
Dịch bởi Yogavietnam