Tác giả_ Iain Grysak
Iain Grysak, là người Canada, hiện đang dạy Ashtanga Vinyasa Yoga tại Spacious Yoga, Bali. Iain có 20 năm thực hành và 19 năm giảng dạy yoga. Iain cũng thực hành thiền Vipassana lâu năm và luôn hướng cuộc sống, tập luyện và giảng dạy của mình vào việc quán chiếu nội tâm để tiến gần hơn đến bản chất sự thật. Iain đã dành phần lớn thời gian trong 20 năm qua tập luyện tinh tấn và kiên định Ashtanga truyền thống , Mysore style vì Iain tin rằng thực hành truyền thống Ashtanga Msyore lâu bền là cách duy nhất để khám phá những hiệu nghiệm tinh túy của trường phái này biểu lộ trên cơ thể, tâm trí và hệ thần kinh một cách bề vững và hợp nhất. Iain được K Pattabhi Jois Ashtanga Yoga Institute cấp chứng nhận dạy Ashtanga Mysore bậc 2 (level 2 authorization)
Thực hành yoga trung thực cũng như khám phá một mối quan hệ. Người tập luyện yoga như một cách thức tu tập (thay vì tập yoga theo kiểu giải trí, vui chơi) sẽ tạo dựng mối quan hệ với người thầy của mình, một mối quan hệ với truyền thống hoặc phương pháp tu tập đó, và quan trọng hơn hết là tạo dựng mối quan hệ với chính bản thân.
Lợi ích sau cùng của yoga là giúp các mối quan hệ này sâu sắc và vững mạnh hơn. Có được một mối quan hệ thâm sâu với người thầy và với truyền thống thực hành có ý nghĩa to lớn giúp việc thực tập lành mạnh và có tính chuyển hóa, nhưng thật sự những mối quan hệ này cuối cùng vẫn phục vụ cho việc tạo dựng nền tảng và tương trợ người thực hành xây dựng mối quan hệ sâu sắc với chính bản thân. Một sự thực tập sâu sắc luôn song hành cùng một mối quan hệ sâu sắc. Chúng ta nên lưu tâm điều này trong quá trình tìm kiếm những phương pháp giúp đi sâu trong thực hành yoga.
Ngày nay người ta rao bán quá nhiều hình thức trải nghiệm yoga, và nhiều thứ được quảng bá rất hay ho. Những trải nghiệm này thường bao gồm: một giáo viên nổi tiếng và hấp dẫn (hoặc có đến vài giáo viên như vậy), một chứng chỉ hoàn tất khóa đào tạo, có thể kèm theo danh hiệu “Huấn luyện viên”, cùng với việc tiếp cận khả năng thực hiện tư thế cao siêu, kĩ thuật đột phá, kiến thức, thông tin, mẹo vặt v.v. một profile rất hấp dẫn, có khi thêm thắt vào những thể loại giải khuây đậm nét tâm linh.
Các hình thức sự kiện hoặc yoga retreat trông có vẻ thú vị và hấp dẫn, nhưng khi xét về trải nghiệm chúng thực sự mang lại, tôi nghĩ chúng ta nên hỏi bản thân mình liệu điều này có giúp chúng ta thực tập sâu hơn không – liệu tất cả những thứ này có giúp mối quan hệ của chúng ta với thầy, với truyền thống luyện tập, và với chính chúng ta trở nên vững chắc hơn không – hay chúng chỉ là những hình thức khoác màu tâm linh nhạt nhẽo, và cũng là những thứ tiêu khiển trong một thế giới mua bán đầy cạnh tranh chỉ để lôi kéo sự chú ý vốn đã ngày càng sa sút của chúng ta.
Người phương Tây thường cho rằng bằng cách thu thập, tích lũy người ta sẽ đạt được độ chuyên sâu. Chúng ta càng thu thập nhiều, càng có nhiều, vậy chúng ta mới có nhiều thứ để chia sẻ.
Hãy thử lướt qua website của các phòng tập yoga phổ thông ở phương Tây (và cả các nước châu Á bắt chước mô hình phương Tây) chúng ta sẽ thấy rất rõ tư duy phổ biến trên. Thông thường để thu hút học viên, một phòng tập sẽ đưa ra lịch tập gồm rất nhiều lớp, thuộc nhiều thể loại yoga khác nhau. Họ phải tạo ra cái gì đó dành cho tất cả mọi người, và tạo điều kiện cho bất kì học viên nào cũng có thể chọn được một thứ gì đó phù hợp với tâm trạng của họ: nóng hoặc lạnh, nhanh hoặc chậm, nhẹ nhàng hoặc mạnh mẽ, v.v
Xem qua danh sách giáo viên, chúng ta cũng thấy số lượng giáo viên rất lớn. Tiểu sử của các giáo viên này kiểu gì cũng có một danh sách những thể loại yoga đa dạng họ đã được đào tạo và kèm theo một danh sách những người thầy nổi tiếng họ đã từng học cùng. Tiếp theo là những chương trình đào tạo giáo viên yoga kéo dài một tháng đa dạng về thể loại, trường phái, các giáo viên tương lai được dạy nhiều loại yoga khác nhau, bởi nhiều giáo viên cố vấn khác nhau, rồi họ sẽ tự quyết định thể loại họ muốn dạy sau khi tốt nghiệp.
Rất hiếm khi thấy trường yoga nào đó có một chương trình hướng dẫn kĩ lưỡng và chặt chẽ thuộc một truyền thống hay một hệ thống luyện tập yoga duy nhất, và càng hiếm hoi khi thấy tiểu sử của một giáo viên chỉ gồm một dòng gỏn gọn đại loại như “tôi đủ khả năng để dạy yoga và tôi thực hành yoga 20 năm và học với một sư phụ X và thật sự kết nối sâu sắc với thầy”.
Trong bất kì mối quan hệ lâu năm nào, chúng ta đều cần duy trì việc điều chỉnh và đánh giá lại để giữ mối quan hệ lành mạnh. Sự tương quan trong các mối quan hệ với người thầy và với một phương pháp thực hành truyền thống cũng như thế. Sự gắn kết, việc liên tục điều chỉnh và xem xét lại luôn là những lực đẩy mạnh mẽ để mối quan hệ tiến triển tốt đẹp, với điều kiện chúng luôn song hành cùng mục đích và nhận thức tốt. Sau cùng tất cả những điều này tạo dựng một nền tảng vững vàng để chúng ta có được mối quan hệ sâu sắc với bản thân và trở thành những cá nhân khỏe mạnh và hữu ích hơn.
Một mối quan hệ được định nghĩa là sự tương tác hoặc trao đổi giữa hai cá thể. Nếu chúng ta có “mối quan hệ” với bản thân và tiến sâu vào mối quan hệ này thông qua thực hành yoga, thì điều này có nghĩa là hai phương diện tách biệt thuộc về chúng ta cần trao đổi với nhau.
Matthew Remski tác giả của một bài viết có ý định nghĩa về khái niệm thiền định. Một phần trong đó được đề cập như sau
“Có thể sẽ hữu ích nếu xem thiền định như một quá trình tịnh tiến cải thiện vô số tầng lớp của cuộc trò chuyện bên trong giữa cái tôi cảm nhận và cái tôi ý thức”
Tôi thấy định nghĩa này giúp làm rõ cách nhìn nhận của tôi về việc thực hành yoga với mục đích kết nối sâu sắc với bản thân.
Bối cảnh xã hội hiện đại tạo cơ hội cho tâm thức con người làm việc ở hầu hết mọi nơi trong cái thế giới đầy những ý tưởng, khái niệm và sáng tạo. Nếu muốn, con người chúng ta có thể không cần cảm nhận gì nhiều. Phần lớn thế giới quan thuộc về tâm thức của con người gần như không giải thích được trí tuệ vốn có của một cơ thể cảm nhận – trong khi đó chúng ta còn rèn luyện cho bản thân ngừng lắng nghe cảm nhận cơ thể khi chúng ta lôi cơ thể đó vào thế giới quan của mình, là sản phẩm của tâm thức.
Chỉ vào những thời điểm có được khoái cảm hoặc chịu đau đớn tột độ, khi cơ thể gào thét lên thì chúng ta mới bắt đầu để ý lắng nghe. Nhưng kể cả vào những lúc như vậy, cách lắng nghe này cũng không phải là cuộc trò chuyện, đối thoại lành mạnh giữa tâm thức và cảm thọ. Thay vào đó, chúng ta sẽ thường tìm giải pháp nhanh nhất và dễ dàng nhất để thỏa mãn những cơn thèm khát hoặc diệt trừ cơn đau mà cơ thể đang mách bảo, để rồi chúng ta lại lui vào bóng tối, lại quay lại thế giới tâm thức của chúng ta đã được đan dệt bởi quá nhiều ý tưởng và khái niệm.
Trong 15-20 năm qua, những phương pháp tập luyện khác nhau mà tôi thực hành và tiến sâu đã đan xen hợp nhất cho một mục đích: để cải thiện sự kết nối và tăng cường mối quan hệ giữa tâm thức và cơ thể cảm nhận của tôi. Nói cách khác, toàn bộ sự thực hành của tôi là công cụ để tôi kết nối sâu sắc với chính tôi.
Hằng ngày tôi luyện tập các phương pháp khác nhau bao gồm thiền Vipassana, ashtanga vinyasa yoga, pranayama, ngũ giới trong Phật pháp hoặc giới luật theo kinh yoga của Patanjali (thực hành quán chiếu những luân thường đạo lý trong phạm trù các mối quan hệ của chúng ta với thế giới), quan sát chế độ ăn uống v.v – tất cả đều là những lăng kính khác nhau mà thông qua đó tôi đối chứng và lắp ghép vào đề mục chính của toàn bộ việc thực hành. Mỗi phương pháp thực hành này đều ý nghĩa cần thiết cho bản thân thôi, do bởi từng phương pháp một sẽ không đủ để bao trùm được toàn bộ trải nghiệm cần có của tôi, cho cảm thọ mà tôi có được.
Cũng giống như khoa học được chia ra nhiều phân loại nghiên cứu riêng lẻ, như vật lý, sinh học, hóa học, tâm lý học, có vậy thì toàn bộ những gì có thể quan sát được, sự thật khách quan mới được bao hàm, có vậy thì những phương thức thực hành tâm linh khác nhau như ngồi thiền, asana (tư thế yoga), pranayama (thở), giới, dinh dưỡng mới phải được thực hành để có thể bao hàm toàn bộ thế giới nội tại, sự thật mang tính chủ thể của cảm thọ.
Theo một số diễn giải trong Phật pháp, vô thức (unconscious mind) có mối liên hệ thường xuyên với những cảm giác từ cảm thọ. Không những vậy mà vô thức còn liên tục sản sinh ra những phản ứng như thèm khát hoặc chán ghét một số cảm nhận cơ thể. Hầu hết chúng ta không nhận biết được những tiến trình phản ứng của chúng ta đối với cảm giác, nhưng về lâu dài chúng sẽ hằn sâu vào tâm thần của chúng ta. Những phản xạ này là gốc rễ của toàn bộ những phức cảm tinh thần, thói quen cố hữu, khuynh hướng và những vấn đề phổ biến khác mà hầu hết mọi người ở mức độ nào đó nhận biết được họ đang có những chứng tật này và họ cần phải cải sửa. Phật gọi những thứ kể trên là hành uẩn, sankhara trong ngôn ngữ Pali và Patanjali cũng gọi hành uẩn samskara trong tiếng Phạn. Hai vị thầy này đều cho đây nguồn gốc đau khổ, từ trong lẫn ngoài bởi chúng ta phản chiếu hành uẩn của ta vào thế giới đang sinh sống.
Bước đầu tiên của việc cải sửa những cố tật là bắt đầu nhận biết chúng. Và cách hiệu quả nhất để nhận biết là soi thẳng vào gốc rễ của vấn đề – sự tương tác giữa tâm thức và cảm thọ. Cốt lõi của phương pháp thiền Vipassana là nhận biết cảm giác cơ thể mà không có bất kì sự phản ứng nào và cố gắng duy trì liên tục.
Trong kinh Niệm Xứ, Phật chỉ bảo rằng nếu chúng ta nhận biết được cảm giác cơ thể và có cách để không phản ứng lại chúng, không khao khát cũng không ghét bỏ, và chúng ta duy trì thực tập, không gián đoạn, không đánh mất nhận biết dù chỉ là một giây, dần chúng ta sẽ được giải thoát khỏi hành uẩn trong khoảng thời gian từ 7 ngày cho đến 7 năm. Mất 7 ngày hoặc 7 năm tùy vào nghiệp mỗi người chúng ta tích như thế nào, điều này mỗi người mỗi khác nhau.
Nghe như việc giải thoát có vẻ đơn giản. Chúng ta chỉ cần làm gì đó trong 7 ngày và 7 năm. Nhưng không may là việc quan sát cơ thể một cách khách quan không hề dễ dàng. Ngược lại, nó vô cùng khó khăn.
Bất kì sự tập trung thực thụ nào với mục đích giúp chúng ta có trải nghiệm sâu sắc đều không dễ dàng rao bán. Việc đối diện với những gì diễn ra bên trong mà không thoái lui, không chùn bước là một thách thức vô cùng to lớn. Dù vậy, chính những tìm kiếm trải nghiệm của cá nhân của tôi khiến tôi tin rằng đây mới chính là cách hiệu quả nhất để trở thành những con người kiên định, trọn vẹn, lành mạnh và ý nghĩa nhất theo khả năng của chúng ta. Đây là cách duy nhất để để chúng ta củng cố mối quan hệ với bản thân và làm nó mạnh mẽ hơn. Đây là sự trao đổi trung thực nhất.
Một khi tâm thức và cảm thọ học cách trao đổi với nhau một cách ôn hòa, chúng ta sẽ bắt đầu có những chọn lựa lành mạnh hơn trong mọi bình diện, từ việc chúng ta chọn ăn gì và chọn cách sử dụng thời gian đến cách chúng ta phản ứng và tương tác với mọi thứ xung quanh bao gồm tất thảy sinh linh ở một mức độ sâu sắc hơn.
Tôi thấy rõ được những lợi ích này càng lúc lớn dần trong tôi qua 15 năm thực hành xuyên suốt và bền bỉ. Việc này cũng đồng nhất với cái hiểu của tôi về những điều Sharath Jois hay chia sẻ trong hội nghị yoga “yoga ở bên trong bạn”. Tôi không chắc lắm về lợi lạc này có thể được ngoại suy theo định nghĩa về giải thoát của nhà Phật hay không, nhưng tôi tin chắc rằng những lợi lạc này là có thật và chúng sẽ tiếp tục tăng trưởng cùng với sự thực hành tinh tấn lâu dài.
Khi rao bán những phương thức thực hành yoga và thiền, người ta hay hứa hẹn “an lạc”, “bình yên” “hạnh phúc” v.v. Và không nghi ngờ gì rằng cảm giác toại ý, kiên định và trách nhiệm là những kết quả có được từ sự thực hành lâu năm. Chúng ta cũng có thể sớm trải nghiệm những hiệu ứng này, khiến chúng ta cảm thấy hân hoan và say sưa khi thực hành.
Tuy vậy với những ai thực hành trung thực, khi tôi gọi là trung thực tôi muốn nói việc thực hành là công cụ để chúng ta làm sâu sắc nhận thức và sự trao đổi với cơ thể cảm nhận, chúng ta sẽ sớm gặp phải những trải nghiệm không hề dễ chịu. Và đôi khi chính những trải nghiệm không mong đợi này lại là những diễn tiến chính trong suốt một thời gian dài trên con đường thực hành của chúng ta.
Những hình mẫu hành uẩn tiêu cực, không dễ chịu cần được soi sáng bởi cái tâm tỉnh thức, qua phương tiện là cảm thọ. Chúng ta cần nhìn và quan sát chúng bằng chính đôi mắt của mình và học cách để có thể ở cùng chúng và hoàn toàn ổn với chúng. Chỉ khi đó những hình mẫu này trở nên kém dần và bắt đầu tan biến.
Tin tốt là chúng ta không cần bất cứ thứ gì ngoài chính sự nhận thức vững bền của chính mình để đi đến cái đích này. Chúng ta không cần bảo vệ hay yểm trợ nào từ thánh thần. Chúng ta không cần các câu chú, phù hộ, nhang đèn hay cầu nguyện. Chúng ta không cần năng lượng tâm linh shaktipat. Chúng ta cũng không cần các chuyên gia điều trị hoặc thầy bùa. Tất cả trong tầm tay của chúng ta. – tất cả chỉ là chúng ta có sẵn sàng để nhận thấy và cảm nhận chính hết các thói quen nghiệp xấu của mình, bằng cách thực hành trung thực để đi đến cái đích đó. Được vậy thì sự chuyển hóa sẽ tự nhiên diễn ra, không cần chúng ta ép buộc hoặc sắp đặt bằng tâm thức.
Khi chúng ta đã hòa hợp được tâm thức và cảm thọ, sự cân bằng sẽ tự nhiên đến. 99% những ai có sự liên hệ lâu dài với một truyền thống hoặc một sự dẫn dắt nào đó sẽ có trợ lực cần thiết cho sự chuyển hóa này.
Điều này nghe thật đơn giản nhưng vô cùng thử thách. Con người bẩm sinh sẽ tìm kiếm vui thú và tránh né khổ đau. Vì vậy khi thực tập, ý thức chúng ta nhận thấy những trải nghiệm khó chịu thuộc cảm giác ở cơ thể, theo bản năng chúng ta sẽ trốn tránh. Chúng ta cần phải thấu hiểu được toàn bộ tiến trình này, quyết tâm, tập trung, có lòng tin để đối mặt với những điều khó chịu này và vượt qua phản ứng né tránh tự nhiên.
Chúng ta cũng cần phải thực tập điều này một cách quân bình, đối diện một cách vừa phải, trong năng lực bản thân để trải nghiệm và ứng dụng vào cuộc sống thực tế của chúng ta. Không phải ai cũng sẵn sàng để thực tập sâu sắc thế này, vì vậy việc dành 20 năm để tu tập một phương pháp cùng một vị thầy là một sự thực hành hiếm hoi.
Khi chúng ta thực hành trung thực, chúng ta bắt đầu tiếp cận những tầng sâu hơn của chính việc thực hành, tôi nhận thấy có ba khả năng:-
- Ngưng thực hành – Từ bỏ và đè nén cố tật thuộc hành
Trường hợp này phổ biến nhất. Ngừng tập luyện có nghĩa là từ bỏ. Ngừng tập Ashtanga (hoặc bất kì phương pháp tập luyện nào) hoặc chuyển sang một thể loại yoga khác hoặc một phương pháp khác. Nhưng việc từ bỏ này cũng thể hiện với nhiều cách khác nhau, tinh vi hơn. Ví dụ – khi một giáo viên yêu cầu học viên dừng lại tại một tư thế yoga nào đó vì người này chưa thuần thục tư thế này và cần phải nỗ lực thêm. Tư thế này khó khăn vì nó đem lại cảm giác khó chịu cho cơ thể và tâm trí phản ứng lại nó. Người học viên cho rằng mình đã tập đủ với người thầy này rồi và quyết định tìm một người thầy khác ít đòi hỏi hơn và cho phép họ tránh, không điều chỉnh hoặc bỏ qua luôn tư thế đó. Như vậy người này không từ bỏ Ashtanga, nhưng họ đã cho phép mình từ bỏ một cơ hội chuyển hóa trong tập luyện.
Có những người khác thì thực tập một cách trôi lạc mà không có nhiều cảm nhận bên trong. Thay vì tập luyện để trở nên sâu sắc, nhạy cảm hơn với cảm thọ thì họ lại vô cảm “tập cho xong”. Hoặc họ bật tivi, mở nhạc, tán gẫu khi tập luyện… Có nhiều cách để tránh né việc luyện tập nghiêm túc, tránh né sự liên hệ với bản thân khi luyện tập. Họ chỉ đơn thuần di chuyển cơ thể vật lý, chứ họ không thật sự tu tập.
- Luyện tập để thúc đẩy tật cố hữu của nghiệp xấu
Trường hợp này cũng hay gặp. Những cá nhân có khuynh hướng tự chống đối hoặc ngược đãi bản thân thường lấy việc tập luyện Ashtanga nuôi dưỡng tâm hành của mình.
Hình thể hoàn hảo và khả năng thực hiện tư thế đẹp là một hình mẫu lý tưởng của một Ashtangi nằm trong tâm thức những ai đang phủ nhận sự thật về cảm thọ, vì họ đang nỗ lực hướng đến một hình ảnh hoàn hảo.
Thời đại yoga selfie tràn ngập trên Facebook và ảnh bìa tạp chí Yoga Journal đã góp phần lớn vào hiện tượng đáng buồn này. Hệ quả là các chứng biến ăn càng trở nên phổ biến, tệ hơn là đầu gối, lưng càng bị ép buộc tập luyện cho đến lúc chấn thương xảy ra, và khoảng cách giữa tâm thức và cơ thể cảm nhận ngày càng rộng hơn.
Hoặc những cá nhân có xu hướng coi trọng quyền lực cũng dễ thúc đẩy tật xấu của mình trong quá trình tập luyện. Sức mạnh và năng lượng có được từ tập luyện càng được mang vào sử dụng trong mánh khóe và điều khiển các đối tượng khác. Khi những cá nhân này đi dạy và được học viên nể trọng, thì hậu quả gây ra còn tệ hại hơn, cho chính họ và cho những người khác và cho những cuộc đời họ đang hủy hoại. Ngày nay có quá nhiều câu chuyện lạm dụng và scandal về các thầy giáo và gurus. Tiếc thay cũng không ít người đang đi lối đi này.
- Yên lặng quan sát, duy trì tập luyện
Một người tập luyện có thể nuôi dưỡng phẩm chất kiên nhẫn và khả năng quan sát khách quan. Bất kể cảm giác trên cơ thể là gì, chúng ta chỉ lắng nghe. Chúng ta cố gắng lắng nghe càng rõ càng tốt. Và chấp nhận những gì cảm giác này mách bảo. Với sự nhạy cảm này, chúng ta duy trì tập luyện với nhận biết và để cho tất cả những thay đổi được biểu lộ một cách tự nhiên.
Hiểu rõ chúng ta đang thực hành như thế nào, thêm lòng tin, sự tập trung, khiêm tốn và kiên nhẫn, đi cùng với sự tương hỗ, dẫn dắt của một người thầy tốt và một phương pháp thực hành lành mạnh sẽ giúp chúng ta dần vượt qua các chứng nghiệp xấu mà bản thân việc thực hành sẽ giúp chúng ta nhận ra.
Điều này thật sự khó khăn, nó đòi hỏi thiện ý thật sự để có thể điều chỉnh và thay đổi. Điều này cũng đòi hỏi chúng ta khiêm tốn và tuân phục – tuân phục truyền thống, người thầy và trên hết là cơ thể cảm nhận. Những ai đi được trên con đường này sẽ trở nên rất vững vàng, cân bằng và khỏe mạnh, từ bi và nếu họ làm thầy, họ sẽ được tiến xa hơn với những gì họ thực hành.
Không ai hoàn hảo, kể cả với người có mục đích rất tốt, chúng ta kiểu gì cũng sẽ có lúc rơi vào trường hợp 1 hoặc 2. Đây chính là lúc chúng ta cần có tương trợ, lời khuyên từ một cộng đồng luyện tập lành mạnh, từ một người thầy tốt, và tất nhiên việc tự suy ngẫm chiêm nghiệm cũng rất cần thiết. Nếu chúng ta có những sự nâng đỡ này, cùng với ý nguyện tốt, và sự tinh tấn cần có, chúng ta sẽ thực hành trung thực thành công và việc thực hành sẽ giúp chúng ta sống tốt hơn với phiên bản tốt nhất của chúng ta.
Nguồn Spacious Yoga
Dịch Yogavietnam.vn