Năm 2010, tôi được nhận một món quà lớn. Là kiểu quà mà bạn không thể chạm, chỉ có thể cảm. Là kiểu quà làm bạn muốn tắt thở, như thể bạn vừa thoát khỏi thần chết. Mà tôi gần như là vậy. Tôi sống cùng một nhóm bạn gái mà tôi chia sẻ những bí mật thầm kín – rằng tôi đang có ý định vứt bỏ 5 năm tỉnh táo của mình cho một cuối tuần đầy âm nhạc. Dĩ nhiên, đó không chỉ là một cuối tuần âm nhạc xập xình hấp dẫn tôi mà còn là những chất làm thay đổi tâm trí đi kèm với nó. Thuốc lắc, nấm, cần sa, chất cồn và chắc chắn có cả nỗi xấu hổ, tội lỗi và sự sa ngã không thể hiểu.
Tôi sắp chuyển nhà và có chút thời gian trống trải, và tôi dành thời gian rảnh đó (và cả nguồn tài chính vốn có thể cho tôi thực hiện kế hoạch tử vong đầy tiềm năng kia của mình) và quyết định thay vào đó là sẽ học một khóa đào tạo giáo viên yoga. Yoga giảng dạy theo trường phái Ashtanga, nói một cách chính xác. Ngôi trường trông chẳng có vẻ gì lấp lánh, hào nhoáng nhưng là ngôi trường nguyên thủy nhất mà tôi đã từng học. Những gì tôi học thời gian đó rất quan trọng cho sự tỉnh táo nối tiếp của tôi.
Chúng ta tìm đường đến với yoga thông qua vô số con đường và chông gai. Có thể có người thân thiết nào đó giới thiệu nó cho chúng ta khi chúng ta có những biểu hiện không ổn lắm, hoặc bởi vị bác sĩ nào đó vì vấn đề sức khỏe, hoặc bởi sự thay đổi trong cuộc đời của một ai đó mà ta được chứng kiến sau khi họ tập yoga. Thậm chí chế độ ăn uống cũng có thể gây ra những thay đổi đưa ta đến với yoga (và yoga, ngược lại, cũng đưa ta đến những cải thiện trong chế độ dinh dưỡng). Tất cả những lý do này trở thành asana, hay tư thế, trong bài thực hành của tôi.
Khi tôi bắt đầu khóa đào tạo 200h, việc hồi phục của tôi có chậm lại vì giới hạn thời gian. Tôi không thể dự tất cả các buổi học như mong muốn hoặc gặp gỡ những người khác cũng đang hồi phục như tôi thường làm. Tuy nhiên một sự thay đổi lớn lao đã diễn ra giúp tôi trấn định lại. Tôi đã có thể lồng ghép yoga và sự tỉnh táo. Đây không phải là phát minh khoa học, cũng không phải là lần đầu tiên người ta thực hiện điều này. Nhưng với tôi và hành trình bước tiếp của mình, đây là một bước nhảy ngoạn mục trong việc thấu hiểu để mang đến những hành động thực tế. Tôi nhận ra rằng mình cần phải bỏ đi cái nhân dạng mà mình cần phải trở thành hoặc sẽ phải trở thành. Như Joseph Campbell có nói “Chúng ta phải bỏ đi cuộc đời mà chúng ta đã lên kế hoạch, để có thể chấp nhận cuộc đời đang chờ đợi ta.”
Một trong những nội dung giúp tôi tập trung lại suy nghĩ của mình trong khóa đào tạo là Bhagavad Gita (chú thích: Bhagavad Gita còn được gọi là “Bài hát của đấng tối cao”, một văn bản cổ bằng tiếng Phạn bao gồm 700 câu của bộ trường ca Mahabharata). Khi tôi lướt qua những trang sách, tôi tìm thấy bản thân đang lang thang, gánh chịu khổ đau trong những câu chữ được viết từ cách đây rất lâu, và hai đầu cầu đã xếp nên tâm trí tôi – yoga và sự tỉnh táo – đã chạm vào nhau, lồng ghép và trở nên rõ rệt. Trích đoạn:
Nếu một người đắm chìm vào các đối tượng cảm giác,
Quyến luyến sẽ nảy sinh;
Quyến luyến sinh ham muốn;
Ham muốn sinh giận dữ;
Giận dữ sinh hỗn loạn
Hỗn loạn làm yếu đi kí ức
Kí ức yếu làm suy thấu hiểu
Thấu hiểu suy dẫn đến suy tàn.
Đó là tôi! Đó là tôi chìm đắm trong cơn mê khi đùa giỡn với ý tưởng tái nghiện. Quyến luyến với những đối tượng cảm giác, ma túy, quyến luyến với sự trốn chạy và tái nghiện, làm cho đầu óc vần vò giữa phấn khích và sợ hãi. Ham muốn trong tôi trỗi dậy thường xuyên để được cảm nhận những cảm giác ấy, để được vô tư và tự do, làm tê liệt tất cả những nỗi đau và cho phép chúng trôi đi. Và rồi sự tức giận nảy mầm, sự giận dữ về chính bản thân mình, dẫn đường cho sự hỗn loạn. Tôi là ai? Tôi đang làm gì đây? Tôi bị kẹt trong thế giới của cái bản thân mà tôi đã từng là, bỏ qua cái thế giới mà tôi đang thực sự ở trong đó, quên đi tất cả những gì tôi đã cố gắng và những sự thật là tôi đã biết rõ bản thân. Điều này đưa tôi đến con đường tái nghiện hủy diệt, và tàn phá. Hậu quả về hành động của tôi, suy nghĩ của tôi không thể rõ ràng hơn, không thể đau xót hơn ngay cái khoảnh khắc đó.
Theo Phật giáo, cội nguồn của đau khổ là ham muốn. Đối với tôi, ham muốn chính là nghiện ngập. Ham muốn được tê liệt, thay vì cảm. Tôi tận dụng tất cả các tài nguyên bên ngoài có được để cố gắng trám cái trống rỗng do sự kém cỏi bên trong gây ra. Chúng ta đôi khi cũng làm vậy đó. Chúng ta làm tê liệt bản thân, chết lặng đi thay vì phải đương đầu. Với bất kì điều gì bên trong ta đang nghiền nát ta với nỗi sợ hãi và sự tự trừng phạt. Bám lấy ý tưởng, niềm tin, con người, nơi chốn và những thứ cũ kỹ gây hại cho chúng ta, mặc dù chúng ta đã có gắng thuyết phục bản thân rằng chúng làm cho ta thấy tốt hơn. Đây là những thứ tôi khám phá ra trong những năm đầu tỉnh táo và chúng quay lại tìm đến tôi, trong ngôi trường của tôi, trong những dòng thơ Gita. Tôi ngạc nhiên. Tôi đã bị ảnh hưởng sâu sắc. Tôi chắc chắn rằng Thượng đế đã mang tôi đến nơi này, đến cái nơi bên trong bản thân tôi nói những điều rất thật về tôi.
Từ đó tôi đã giảng dạy những người trong quá trình hồi phục. Tôi đọc những dòng thơ, hát những bài hát tôi yêu. Nhưng tôi không quên những câu chữ đang mang tôi đến với chúng. Những ngôn từ ngọt ngào của Gita.
Rời bỏ những ham muốn,
Hành động không kèm khao khát,
Thoát khỏi những suy nghĩ của “tôi” và “của tôi”
Con người sẽ tìm thấy bình yên hoàn toàn.
Trong ngôn ngữ của người thầy thông thái thương yêu của tôi “Thực hành làm nên vĩnh cửu”.
Om Shanti
Vài điều về tác giả:
Jennifer Sobel là huấn luyện viên yoga phục hồi và chuyên gia tư vấn về cai nghiện.
Cô là huấn luyện viên yoga có chứng chỉ đào tạo 200h với 15 năm kinh nghiệm. Đã từng chống chọi với cơn nghiện ma túy và rượu, Jennifer quyết định thay đổi cuộc đời và trở nên tỉnh táo từ năm 2004. Khi chuyển đến Prescott, Arizona, Hoa Kỳ vào năm 2010, cô có thêm kinh nghiệm làm việc với các khách hàng đang điều trị. Cô có bằng đại học chuyên ngành tư vấn cai nghiện.
Nguồn: Yoga International
Dịch bởi Yogavietnam