Vốn có rất nhiều loại hình yoga khác nhau trên thị trường, cho dù bạn đang có nhu cầu tìm kiếm một lớp học đòi hỏi việc rèn luyện thể chất cao hay một lớp học mang tính thiền định, thư giãn và dễ dàng. Trong khi mỗi phong cách có chút khác biệt với nhau, bạn còn có thể nhận ra những biến thể trong từng trường phái một tùy thuộc vào giáo viên đứng lớp. Tôi khuyến nghị bạn nên thử vài trường phái và cả giáo viên trước khi quyết định theo đuổi lớp học nào lâu dài. Thậm chí nếu bạn là một yogi lâu năm đã tập luyện hết sức tận tụy, sự linh hoạt và biến hóa với bất cứ trường phái yoga nào sau đây sẽ giúp nâng tầm trải nghiệm yoga của bạn và thách thức bạn đi ra ngoài vùng an toàn của mình.
Hatha yoga
Từ “hatha” trong tiếng Phạn là một danh từ chỉ chung cho các tư thế vật lý của yoga. Ở phương Tây, hatha yoga đơn giản ám chỉ tất cả các trường phái yoga (Ashtanga, Iyengar,…) vốn đặt trọng tâm vào việc thực hành thể chất. Tuy nhiên, cũng có những nhánh khác của yoga như Kriya, Raja hay Karma Yoga được tách khỏi hình thức thực hành yoga dựa vào thể chất. Các lớp học yoga dựa vào rèn luyện thể chất là phổ biến nhất và có nhiều phong cách nhất. Các lớp học Hatha Yoga phù hợp cho người mới bắt đầu nhất vì chúng thường có nhịp chậm hơn các loại hình yoga khác. Các lớp hatha ngày nay là một tiếp cận mang tính kinh điển với hoạt động thở và thực hành luyện tập. Nếu bạn hoàn toàn mới với yoga, hatha yoga là điểm bắt đầu tuyệt vời.
Iyengar yoga
Iyengar yoga được sáng lập bởi B.K.S. Iyengar và tập trung vào định tuyến bàn chân (alignment) cũng như các chuyển động có tính chi tiết và chính xác. Trong lớp học Iyengar, các học viên thực hiện nhiều tư thế khác nhau song song với việc kiểm soát hơi thở. Nhìn chung, các tư thế được giữ trong một khoảng thời gian dài trong khi điều chỉnh các chi tiết của tư thế. Iyengar phụ thuộc rất nhiều vào các phụ kiện tập để giúp học viên hoàn thiện tư thế và tiến sâu hơn trong thực hành mà vẫn đảm bảo an toàn. Mặc dù bạn sẽ không bị yêu cầu phải nhảy nhót khi tập, nhưng bạn sẽ có một buổi tập luyện thể chất đúng nghĩa và cảm thấy sự cởi mở và thư giãn khó tin sau mỗi lớp học. Trường phái này phù hợp với những ai đang có chấn thương cần phải thực hành chậm và có phương pháp.
Kundalini yoga
Thực hành Kundalini có đầy đủ hai phần tinh thần và thể chất. Trường phái này hướng đến việc giải phóng năng lượng Kundalini trong cơ thể bạn vốn đang bị mắc kẹt ở cột sống dưới. Những lớp học này thực sự có tác động đến phần cốt lõi và hoạt động thở của bạn với những tư thế mang tính nhanh, hăng hái. Những lớp học này thường có cường độ cao và có thể có thêm bài tập thiền, hát chanting và niệm mantra.
Ashtanga yoga
Trong tiếng Phạn, Ashtanga nghĩa là “con đường tám nhánh”. Ashtanga yoga bao gồm những chuỗi tư thế đòi hỏi việc rèn luyện thể chất cao, vì vậy trường phái này không dành cho người mới bắt đầu. Phải là một yogi lâu năm, có kinh nghiệm mới thực sự yêu thích nó. Bài thực hành Ashtanga bắt đầu với 5 tư thế chào mặt trời A và 5 tư thế chào mặt trời B, nối tiếp là chuỗi tư thế tập đứng trên sàn. Ở Mysore, Ấn Độ, mọi người tập trung lại thực hành Ashtanga cùng nhau nhưng với nhịp độ riêng của từng người – nếu bạn thấy một lớp Ashtanga của Mysore, bạn cần phải thuộc chuỗi tư thế. Vinyasa yoga khởi nguồn từ Ashtanga là trường phái thực hành liên tục kết nối hơi thở và động tác.
Vinyasa yoga
Vinyasa có nghĩa là “sắp xếp theo một cách đặc biệt” và trong trường hợp này có ý chỉ các tư thế yoga. Vinyasa là trường phái yoga có tính thể thao nhất. Vinyasa được phỏng theo Ashtanga yoga vào những năm 1980. Trong các lớp học Vinyasa, chuyển động được phối hợp với hơi thở và di chuyển nhịp nhàng từ tư thế này sang tư thế khác. Nhiều loại hình yoga cũng có thể xem là vinyasa như là ashtanga, power yoga hay prana yoga. Phong cách Vinyasa có thể khác nhau tùy vào giáo viên hướng dẫn, và cũng có nhiều dạng tư thế trong các chuỗi khác nhau.
Bikram yoga
Nếu bạn thích đổ nhiều mồ hôi trong lớp yoga, đây là phong cách cho bạn. Bikram yoga được đặt theo tên của Bikram Choudhury và thể hiện một chuỗi các tư thế trong phòng tập nóng như phòng sauna – thông thường có nhiệt độ lên đến 40 độ C và độ ẩm đến 40%. Chuỗi tư thế là một series có 26 tư thế cơ bản, mỗi tư thế được thực hiện hai lần.
Yin yoga
Yin yoga là phong cách yoga có tiết tấu chậm với các tư thế tập khi ngồi và giữ trong khoảng thời gian lâu. Yin sẽ là lớp học tuyệt vời cho những ai mới bắt đầu, vì các tư thế sẽ được giữ từ 45 giấy đến 2 phút. Yin cũng có thể là hình thức tập yoga mang tính thiền định giúp cho bạn tìm được sự an bình bên trong. Lớp học Yin thông thường khá thư giãn vì bạn cần để cho trọng lực thực hiện hầu hết vai trò trong các tư thế.
Yoga hồi phục
Yoga hồi phục tập trung vào việc làm chậm lại sau một ngày dài và giúp thư giãn tâm trí. Cốt lõi của nó là giúp cơ thể thư giãn. Bạn sẽ dành nhiều thời gian trong ít tư thế hơn trong suốt buổi tập. Hầu hết các tư thế được điều chỉnh cho dễ và nhẹ nhàng hơn. Cũng như Iyengar, nhiều phụ kiện hỗ trợ được sử dụng như là mền, gối ôm và cả gối cho mắt. Vai trò của chúng là giúp bạn đắm chìm vào sự thư giãn sâu hơn. Yoga hồi phục còn có thể giúp làm sạch và giải tỏa tâm trí bạn.
Yoga bầu
Yoga bầu đặc biệt dành cho phụ nữ đang mang thai và được thiết kế phù hợp cho các thời kì thai sản. Nhiều người nói rằng yoga bầu là một trong những hình thức thể thao phù hợp nhất cho những người sắp làm mẹ vì những tác động lên vùng xương chậu, tập trung vào hơi thở và tính kết nối với bào thai; yoga bầu cũng giúp mẹ chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình sinh nở.
Anusara yoga
Anusara là phiên bản hiện đại của hatha yoga, gần giống với vinyasa ở chỗ nó cũng tập trung vào định tuyến nhưng lại đặt trọng tâm nhiều hơn vào sự kết nối trí-thân-tâm. Anusara tập trung vào các chuyển động theo hình xoắn ốc và làm thế nào các phần của cơ thể di chuyển. Anusara cũng được biết đến với sự chú trọng trái tim. Lớp học thường ngừng lại giữa giờ và tập trung xung quanh một học viên khi giáo viên hướng dẫn chi tiết một tư thế.
Jivamukti yoga
Jivamukti được thành lập năm 1984 bởi Saron Ganon và David Life. Jivamukti là hình thức tập luyện vinyasa nhưng được truyền những lời dạy tâm linh Ấn Độ Giáo. Một chuỗi các bài tụng sẽ mở đầu buổi học, tiếp đến là chuỗi tư thế phù hợp với năm nguyên lý của triết lý Jivamukti. Phần cốt lõi của Jivamukti là sự chú trọng vào kết nối với Trái đất và muôn loài, nên hầu hết những ai theo Jivamukti sẽ là những người ăn chay.
Nguồn: Mind Body Green
Dịch bởi Yogavietnam