Nếu bạn đã từng đến tập một lớp yoga, nhất là lớp yoga vinyasa, rất có thể bạn đã được biết đến với các tư thế Chiến binh. Tên tiếng Phạn cho từ “Chiến binh” là “Virabhadrasana”, nghe có vẻ hay để thử cố nhớ, nhưng trong bài viết này sẽ dùng từ là “Tư thế Chiến binh”. Từ “asana” trong tiếng Phạn có nghĩa là một tư thế của cơ thể. Đó là lý do vì sao mỗi tư thế trong yoga đều kết thúc bằng đuôi “asana”. Asana phổ biến nhất trong các tư thế Chiến binh là tư thế Chiến binh II.

Chiến binh II là tư thế mà các ngón chân ở bàn chân trước sẽ hướng về phía trước, đầu gối trước dọc thẳng với mắt cá chân. Chân sau dài và thẳng, bàn chân sau song song với cạnh ngắn hơn của thảm. Ở tư thế này, hông mở, vai dọc thẳng với hông, và cánh tay thì vươn ra hai bên, mắt nhìn về phía ngón tay chính giữa trước mặt. Đây là một tư thế đẹp, đầy sức mạnh, nhưng nó có ý nghĩa như thế nào?

Để hiểu toàn bộ câu chuyện phía sau các tư thế Chiến binh, đầu tiên bạn phải làm quen với cả ba tư thế. Phần lớn chúng ta quen với tư thế Chiến binh II nếu chúng ta đã luyện tập yoga trước đây. Tư thế Chiến binh I cũng phổ biến, nhất là trong Ashtanga yoga, hông vuông, hai tay song song đưa lên cao, sống lưng thẳng, chân trước thì giống Chiến binh II nhưng chân sau thì đặt ở góc 45 độ, để giữ cho hông được thẳng hàng. Chiến binh III là tư thế cân bằng. Trong asana này chân phải là chân trụ, mạnh mẽ và vững chắc, chân trái kéo dài và thẳng về phía sau, từ đây tay vươn ra phía trước và cả cơ thể tạo thành hình chữ T. Cánh tay linh hoạt và thật khỏe, cứ như thể đang giữ một vật gì đó.

Bây giờ bạn đã có được hình dung sơ lược về ba tư thế Chiến binh. Bây giờ hãy cùng tìm hiểu xem lịch sử và truyền thuyết đằng sau những tư thế này. Mỗi tư thế yoga đều đi cùng với một câu chuyện.

Virabhadrasana là một truyền thuyết bắt nguồn từ Hindu. Trong truyền thuyết này có một vị linh mục quyền năng tên là Daksha. Daksha tổ chức một buổi lễ tế thần linh nhưng ông ta đã không mời hay thậm chí nhắc đến chuyện này với đứa con gái út của mình là Sati, và cả chồng cô, Shiva. Sati phát hiện ra điều này, với lòng đầy tức giận cô đã quyết định phải đến để phá hỏng buổi tế của người cha. Trong khoảnh không còn suy nghĩ được gì thấu đáo, cô và cha đã có một trận cãi vã khốc liệt. Daksha nổi cơi tam bành, quát mắng con gái mình vì những hành động phá hoại của cô.

Khi trận cãi vã giữa Daksha và Sati cứ tiếp diễn, Sati cảm thấy bị tổn thương không chỉ bởi việc cha không nói cho mình về buổi lễ, mà còn bởi những từ ngữ khó nghe và những lời lăng mạ từ chính người cha của mình. Vì sự đau đớn này, Sati đã tự bước tới ngọn lửa tế để tự thiêu, phá hủy cơ thể mà người cha đã dành tặng cô. Shiva, chồng của Sati sau đó hay tin về sự hy sinh của Sati, đã cảm thấy vô cùng đau đớn. Trong một khoảnh khắc đau buồn, Ngài dứt một lọn tóc và vứt nó xuống đất một cách giận dữ. Lọn tóc này khi chạm vào mặt đất đã biến thành một Chiến binh mạnh mẽ. Shiva đặt tên cho Chiến binh là Virabhadra, “Vira” nghĩa là anh hùng và “bhadra” nghĩa là bạn. Ông đã phái Virabhadra đến buổi lễ tế để tìm Daksha, giết ông ấy và tiêu diệt tất cả các vị khách có mặt.

Trong truyền thuyết Hindu này, Virabhadrasana là những tư thế thể hiện những hành động mà Virabhadra làm. Trong Chiến binh số 1 Virabhadra đến buổi lễ tế với hai thanh kiếm trong tay. Đây là tư thế mà bạn đang giữ đầu thẳng, vươn hai cánh tay trên đầu, mạnh mẽ và tự tin, sẵn sàng cho trận chiến. Trong Chiến binh số 2, Virabhadra tập trung vào mục tiêu của mình là Daksha. Trong tư thế này bạn đang mở rộng người và giữ một ánh nhìn đầy mạnh mẽ. Chiến binh số 3, là khi mà Virabhadra tìm thấy Daksha và tiêu diệt ông ta bằng hai thanh kiếm của mình. Trong tư thế này, cơ thể quyết đoán và đầy sức mạnh .

Kết thúc câu chuyện, Shiva đến buổi lễ tế để xem sự hủy diệt gây ra bởi Chiến binh mà Ngài tạo ra. Shiva nhập Chiến binh mà mình tạo ra vào bản thể của mình và sau đó biến thành thần Hare, Kẻ Cưỡng Đoạt. Trong lòng Ngài lúc bấy giờ là sự pha trộn của các cung bậc cảm xúc, nỗi buồn, lòng từ bi, sự hối hận. Shiva sau đó đi tìm xác của Daksha và mang đến đặt cạnh đầu một con dê, khiến Daksha sống lại. Câu chuyện kết thúc, Sati cũng được tái sinh.

Bài học lớn nhất từ thần thoại Virabhadra là đôi khi, khi chúng ta phải chịu những sự đau đớn, mất mát khủng khiếp hoặc bị vỡ tan tành bởi cảm xúc của chính mình, chúng ta có thể hành động theo những cách đi ngược lại lí trí và để lại hậu quả đáng tiếc. Trong cơn thịnh nộ và đau buồn, chúng ta rất dễ gây ra đau đớn cho người khác. Hành động mang tính tổn hại như sự trút giận có thể khiến bạn thấy nhẹ nhõm ngay thời điểm đó, nhưng gần như chắc chắn sẽ kéo theo sau đó nỗi buồn đau và sự sợ hãi. Sau giai đoạn này là một quá trình cố gắng sửa sai những tổn hại mà chúng ta đã gây ra, chân thành mong muốn hàn gắn lại nỗi đau, chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể cảm thấy tự do. Tuy nhiên đôi khi những hành động mà chúng ta làm là không thể đảo ngược. Loạt tư thế Chiến binh giữ vai trò nhắc nhở chúng ta về sức mạnh của bản thân, và cũng đồng thời như một lời nhắc nhở thủ thỉ rằng hãy giữ tâm quân bình trước khi phản ứng lại những cơn thịnh nộ và các cung bậc cảm xúc.

Mỗi hành động chúng ta làm đều để lại hậu quả.

Hãy tạm ngưng lại một chút trước khi phản ứng lại một điều gì dó.

Namaste.

Nguồn Third Wolf Designs 

Dịch Yogavietnam