Tôi tên là Kevin, và tôi có một chút vấn đề với điện thoại.
Và nếu bạn cũng giống như tôi – và số liệu thống kê cho thấy bạn có thể là như vậy, hoặc ít nhất trong vùng có liên quan đến điện thoại thông minh – thì bạn cũng có cùng vấn đề như tôi.
Tôi không thích nói cái vấn đề chúng ta đang mắc phải là “nghiện ngập.” Điều đó nghe có vẻ khô khan và mang tính lâm sàng khi mô tả những gì xảy ra với bộ não chúng ta trong thời đại của điện thoại thông minh. Khác với rượu chè hay thuốc phiện, điện thoại không phải là chất gây nghiện nhiều như cú shock môi trường cấp loài. Một ngày nào đó chúng ta có thể phát triển phần cứng sinh học chính xác để sống hòa hợp với các siêu máy tính di động giúp thỏa mãn nhu cầu và kết nối chúng ta với vô số kích thích. Nhưng cho hầu hết chúng ta, nó vẫn chưa xảy ra đâu.
Trong suốt cuộc đời trưởng thành tôi là người sử dụng di động hạng nặng. Nhưng đâu đó năm ngoái, tôi đã vượt quá lằn ranh vô hình mà bước sang địa phận của sự rắc rối. Các triệu chứng của tôi điển hình như sau: tôi thấy bản thân không thể đọc sách, xem phim trọn vẹn hay có một cuộc đối thoại dài mà không bị cắt ngang. Mạng truyền thông làm tôi tức giận và lo lắng. kể cả những không gian kĩ thuật số mà tôi từng thấy có khả năng xoa dịu (như tin nhắn nhóm bạn, podcast, Youtube) cũng không có tác dụng. Tôi thử nhiều phương pháp để giảm việc sử dụng, như xoá Twitter mỗi cuối tuần, chuyển màn hình sang màu xám và cài đặt các app chặn ứng dụng. Nhưng tôi lại luôn tái bệnh.
Cuối cùng, khoảng cuối tháng 12, tôi nghĩ thế là đã quá đủ. Tôi gọi cho Catherine Price, một nhà báo chuyên về khoa học và là tác giả của quyển Làm sao nói lời tạm biệt với điện thoại, một quyển sách hướng dẫn cách loại bỏ các thói quen điện thoại xấu trong 30 ngày. Rồi tôi năn nỉ cô giúp đỡ.
Thương xót tình cảnh của tôi, cô đồng ý là huấn luyện viên điện thoại cho tôi trong suốt tháng Một, và đi qua một lượt với tôi kế hoạch của cô, từng bước một. Cùng nhau, chúng tôi xây dựng mối quan hệ lành mạnh với chiếc điện thoại, và cố chữa trị cho bộ não bệnh tật của tôi.
“ Hơi đáng sợ chút”
Tôi thừa nhận việc cai nghiện điện thoại nghe thật sáo rỗng, giống như thật sự bước vào các hạt tinh thể chữa lành hay cuộc đua xe đạp đường bộ Peloton. Sức khỏe kĩ thuật số là ngành công nghiệp vừa chớm nở trong thời đại này, với vô số các bậc thầy self-help cung cấp các phương thuốc thần kì cho chứng nghiện màn hình. Một trong những giải pháp đó bao gồm các phương tiện mới – ví dụ như “điện thoại nhẹ”, một thiết bị có tính năng vô cùng ít ỏi có tác dụng loại người dùng khỏi các ứng dụng gây mất thời gian. Các phương pháp chữa trị tập trung vào việc cắt giảm việc nhìn màn hình trong cả tuần lễ. Bạn có thể mua gói “giải độc kĩ thuật số” trị giá 299$ tại khách sạn hạng sang hoặc tham gia phong trào “Ngày nghỉ ngơi kĩ thuật số”, trong đó mọi người thề không dùng công nghệ trong một ngày mỗi tuần.
May mắn thay, kế hoạch của Catherine mang tính thực tế hơn. Tôi là một nhà báo viết về công nghệ, và dù tôi không ngăn cản mọi người thử các biện pháp ngắt kết nối cực đoan hơn, công việc của tôi không cho phép mình cai nghiện một cách đột ngột như vậy.
Thay vào đó, chương trình của cô tập trung vào việc đánh vào nguyên nhân sâu xa của chứng nghiện điện thoại, bao gồm những thứ tác động vào cảm xúc khiến bạn phải đụng tới cái điện thoại đầu tiên. Vấn đề không phải là ngắt bạn khỏi internet, hoặc mạng xã hội – bạn vẫn có thể sử dụng Facebook, Twitter hoặc các nền tảng khác trên máy tính hoặc laptop, và cũng không có giới hạn thời gian. Phương pháp này chỉ đơn giản là tháo bộ não của bạn khỏi xiềng xích của những thói quen xấu mà nó vốn quen thuộc với thiết bị nào đó, và gắn bộ não với thứ tốt đẹp hơn.
Khi chúng tôi mới bắt đầu, tôi gửi cô ấy bảng thống kê thời gian sử dụng màn hình của tôi, nó cho thấy tôi đã tiêu 5h37 phút trên điện thoại ngày hôm đó và cầm nó lên 101 lần, gần như gấp đôi trung bình của người Mĩ.
“Con số thật điên khùng và làm tôi muốn chết đây,” Tôi nhắn cho cô ấy.
“Tôi phải thừa nhận là con số đó hơi đáng sợ thật,” cô trả lời.
Catherine động viên tôi thiết lập những “gờ giảm tốc” về tinh thần để tôi buộc phải suy nghĩ vài giây trước khi dùng điện thoại. Tôi buộc một cái dây thun quanh thiết bị, và đổi màn hình khóa cho thể hiện ba câu hỏi mà tôi phải trả lời trước khi mở khóa máy “Mở cho việc gì? Tại sao bây giờ? Rồi gì nữa?”
Suốt cả tuần, tôi trở nên ý thức một cách sâu sắc thói quen điện thoại lạ lùng mà tôi hình thành trước đây. Tôi nhận ra rằng tôi sờ đến cái điện thoại mỗi khi đánh răng hoặc bước ra cửa trước căn hộ, và vì một vài lý do bệnh hoạn nào đó, tôi luôn kiểm tra email trong 3 giây ngắn ngủi giữa lúc nhét thẻ tín dụng vào máy đọc ở cửa hàng và khi thẻ được chấp nhận.
Hơn hết, tôi nhận thức tôi đã khó chịu nhường nào với sự tĩnh lặng. Trong nhiều năm, tôi dùng điện thoại mỗi khi có thời gian rảnh rỗi trong thang máy hoặc trong cuộc họp chán chường. Tôi nghe podcast và viết email khi đi tàu điện ngầm. Tôi xem Youtube khi gấp quần áo. Tôi còn sử dụng một ứng dụng để giả vờ thiền.
Nếu tôi cần sửa chữa bộ não của mình, tôi cần thực hành không làm gì cả. Do đó, trong chuyến đi bộ đến văn phòng mỗi sáng, tôi nhìn lên các tòa nhà xung quanh mình, để ý các chi tiết kiến trúc mà tôi chưa từng chú ý trước đây. Trên tàu điện, tôi để điện thoại trong túi và ngắm nghía mọi người – để ý cái người đàn ông ăn mặc gọn gàng đội nón vàng, bạn thiếu niên đang ăn bánh Taki nóng và cười đùa, đứa bé đang môi đôi giày Velcro. Khi một người bạn đến muộn vào giờ trưa, tôi ngồi yên và nhìn ra ngoài cửa sổ thay vì xem Twitter.
Nó là cảm giác đáng sợ, cô đơn với những suy nghĩ của riêng mình trong năm 2019. Catherine đã cảnh báo rằng tôi có thể cảm thấy bất ổn khi mất tập trung với điện thoại. Cô nói việc chú ý những gì xung quanh mình sẽ làm tôi nhận ra có bao nhiêu người dùng điện thoại để đối phó với cơn buồn chán và lo lắng.
“Tôi so sánh điều này giống như là chứng kiến một thành viên gia đình khỏa thân,” cô nói. ‘một khi bạn nhìn quanh thang máy và thấy những con zombie xem điện thoại, bạn không thể quên được.”
Sự rút lui được thiết lập
Tiếp đến, tôi sử dụng biện pháp Marie Kondo cho điện thoại – kiểm tra tất cả các ứng dụng trên màn hình và chỉ giữ lại những cái đem lại niềm vui và đóng góp cho những thói quen lành mạnh.
Đối với tôi, đó là xóa đi Twitter, Facebook và các ứng dụng mạng xã hội, cùng với các ứng dụng tin tức, game. Tôi giữ lại những dịch vụ tin nhắn như WhatsApp và Signal, cùng những tiện ích không gây phiền nhiễu như nấu ăn và chỉ đường. Trên màn hình home screen tôi giữ lại những tiện ích cần thiết như lịch, email và quản lý mật khẩu. Và tôi vô hiệu hóa chức năng push notification cho mọi thứ ngoài cuộc gọi và tin nhắn từ một danh sách lập sẵn bao gồm biên tập viên của tôi, vợ tôi và một số người bạn thân thiết.
Nơi bạn cất điện thoại cũng khá quan trọng. Các nghiên cứu cho thấy những người không charge điện thoại trong phòng ngủ sẽ hạnh phúc hơn những người làm vậy. Catherine charge điện thoại trong tủ quần áo; đối với tôi, cô khuyến nghị một két sắt mini. Tôi mua một cái và bắt đầu cất điện thoại trong đó, điều này giúp tôi cùng lúc giảm thời gian sử dụng điện thoại vào buổi tối và cho tôi cảm giác như đang canh giữ trang sức của nữ hoàng.
Và tôi theo đuổi những hoạt động thay thế cho thói quen điện thoại. Theo lời đề nghị của người bạn đồng nghiệp Farhad Manjoo, tôi đăng ký học lớp làm gốm. Và kết quả là, làm gốm là biện pháp thay thế hoàn hảo cho điện thoại. Môn này đầy thách thức về mặt thủ công và cần sự tập trung suốt nhiều giờ liền. Tay bạn lúc nào cũng dơ nên chẳng có cơ hội mà vọc những thiết bị kĩ thuật đắt tiền.
Sau giờ học gốm, tôi cập nhật cho vợ mình về quá trình. Tôi nói rằng mặc dù cảm thấy vui khi mất kết nối, tôi vẫn lo lắng là mình có thể sẽ bỏ lỡ cái gì đó quan trọng. Tôi thích cảm giác lướt qua vô số tin tức ở đầu ngón tay mình, và tôi muốn làm nhiều thứ tôi thích về mạng xã hội, như theo dõi các em bé của bạn bè và duy trì tin tức về gia đình Kardashian.
“Em thật buồn là anh có rắc rối như vậy,” cô nói, “vì em cảm thấy thật tuyệt cho việc anh ngắt kết nối.”
Cô giải thích là từ khi tôi bắt đầu quá trình giải độc điện thoại, tôi trở nên hiện diện hơn và chú tâm hơn khi ở nhà. Tôi dành nhiều thời gian lắng nghe cô ấy hơn, và bớt đi việc ậm ừ và gật gù khi check email hay coi tin tức.
Các nhà tâm lý học đặt tên cho hiện tượng này là “phubbing”, hay hiểu là tập trung chú ý vào điện thoại di động và phớt lờ mọi người xung quanh. Các nghiên cứu cho thấy phubbing quá mức sẽ làm suy giảm sự hài lòng trong các mối quan hệ và làm tăng cảm giác trầm cảm và cô lập.
Trong nhiều năm, tôi lý giải cho hiện tượng phubbing là điều cần thiết cho công việc của mình. Không phải công việc yêu cầu tôi phải biết tin tức sao? Có phải là tôi lơ là nhiệm vụ nếu tôi không bỏ thời gian để nắm bắt việc Jeff Bezos ly dị vợ hay có một tài khoản Youtube nào đó thực hiện hành vi khủng bố?
Tôi đặt câu hỏi này cho Catherine, người trấn an tôi rằng tôi chẳng phá hủy sự nghiệp gì nếu chậm bắt tin hơn. Cô nhắc tôi rằng tôi đang vui vẻ hơn khi bớt thời gian vọc màn hình, và cô nhẹ nhàng động viên tôi tập trung vào mặt kia của bảng phân tích chi phí – lợi ích.
“Hãy nghĩ đến bức tranh to lớn hơn của việc anh thu nhận được gì khi không lên Twitter mọi lúc.”
Phương pháp làm sạch Thoreau
Bài kiểm tra lớn nhất là “sự chia xa thử nghiệm” – 48h không được phép sử dụng điện thoại hay bất cứ thiết bị kĩ thuật nào (Chương trình của Catherine gọi là chia xa 24h, nhưng tôi muốn thử với thời gian lâu hơn.)
Ban đầu tôi đã khá sợ hãi ý tưởng này, nhưng khi cuối tuần đến, tôi lại cảm thấy phấn khích. Tôi thuê một căn Airbnb ngoài ngoại ô ở Catskills, nhắc bạn biên tập viên rằng tôi sẽ offline cuối tuần và đi luôn.
Một cuối tuần không điện thoại thường có một số phức tạp. Nếu không có Google Map, tôi bị lạc đường và phải vòng xe để hỏi. Không có Yelp, tôi gặp khó khăn trong việc tìm một nhà hàng còn mở cửa.
Nhưng trên hết, tôi cảm thấy tuyệt vời. Trong 2 ngày trọn vẹn, tôi có những thú vui của thế kỷ 19, cảm giác dây thần kinh mềm đi và khả năng chú ý quay trở lại. Tôi đọc sách. Tôi làm trò chơi ô chữ. Tôi đốt lò sưởi và ngắm sao. Tôi cảm giác như mình là Thoreau (một nhà văn chỉ trích mạnh mẽ sự phát triển công nghệ, tác giả của tác phẩm Một mình sống trong rừng), nếu Thoreau lâu lâu cũng thắc mắc chuyển gì xảy ra với câu chuyện trên Instagram của Alexandria Ocasio-Cortez.
Tôi cũng cảm thấy có lúc giận dữ – giận bản thân mình, vì đã bở lỡ những cảm xúc này trong suốt nhiều năm; giận mấy người kĩ sư ở thung lũng Silicon đã thu lợi thương mại từ sự yếu ớt nhận thức của người dùng; giận sự phức tạp của ngành công nghiệp điện thoại đã thuyết phục được chúng tôi là cái màn hình chữ nhật 6 inch đó mang đến những trải nghiệm thế nào.
Thật buồn là không có cách chi nói về những ích lợi của việc ngắt kết nối kĩ thuật số mà không nghe như là những người đọc tin Goop (một công ty truyền thông chuyên về sức khỏe tự nhiên sáng lập bởi diễn viên Gwyneth Paltrow ) hay một người chống lại công nghệ. Sự khỏe mạnh mang tính trình diễn thì đáng ghét, như là bệnh sợ hãi công nghệ mang tính phản xạ.
Nhưng tôi không thể không nhấn mạnh là trong điều kiện đúng đắn, dành cả một cuối tuần không điện thoại tuyệt vời thế nào. Bạn cũng thử đi.
Phần thưởng và đổi mới
Cho phép tôi khoe khoang một chút: Trong suốt 30 ngày, thời gian online trung bình của tôi đã giảm từ 5h xuống còn hơn 1h. Tôi chỉ động đến cái điện thoại 20 lần mỗi ngày, thay vì 100 lần như xưa. Tôi chỉ dùng điện thoại cho việc gửi email và tin nhắn – Và tôi cũng chủ yếu dùng laptop – nhưng tôi không động đến mạng xã hội, và tôi có thể không động đến màn hình điện thoại trong nhiều giờ.
Trong một buổi nói chuyện, tôi hỏi Catherine cô có lo là tôi bị tái nghiện không. Cô nói có thể tái nghiện, vì những tính chất gây nghiện của điện thoại và cái khả năng chúng ngày càng cần thiết trong cuộc sống. Nhưng cô nói miễn là tôi còn ý thức được mối quan hệ của mình với điện thoại và chú ý mỗi khi dùng và dùng như thế nào, tôi sẽ đạt được điều gì đó quý giá.
“Cuộc sống của anh là những gì anh chú tâm vào,” cô nói “Nếu anh muốn dành thời gian cho video games hay Twitter, đó là việc của anh. Nhưng nó phải là lựa chọn có ý thức.”
Một trong những ích lợi bất ngờ của chương trình này là khi nhận được khoảng cách cảm xúc với chiếc điện thoại, tôi bắt đầu trân trọng nó lại. Tôi hay nghĩ: Ngay đây, trong túi mình, là một thiết bị có thể gọi đồ ăn, gọi xe và hàng triệu thứ tiêu dùng đến cửa nhà. Mình có thể nói chuyện với bất cứ ai mình vừa gặp, tạo ra và lưu giữ những record hình ảnh cuộc đời mình và tiếp cận vô vàn kiến thức con người trong vài cú quẹt.
Steve Job không nói quá khi ông mô tả iPhone là một vật dụng thần kì, và thật kì quái là trong vài năm chúng ta lại có thể biến nó thành thứ tạo stress. Nó giống như một nhà khoa học sáng chế ra phương thuốc giúp chúng ta bay, nhưng song song phát hiện nó cũng làm ta mất ngủ.
Nhưng vẫn có cách giải quyết. Tôi chưa chụp hình cộng hưởng từ hay làm bài đánh giá tâm lý, nhưng tôi cá rằng có cái gì đó cơ bản thay đổi trong não tôi thời gian qua. Một vài tuần trước, thế giới trên điện thoại còn hấp dẫn hơn thế giới offline – nhiều sắc màu hơn, nhanh hơn và phạm vi phần thưởng lớn hơn.
Tôi vẫn yêu thế giới đấy, và vẫn luôn yêu. Nhưng bây giờ, thế giới vật lý cũng làm tôi hào hứng – cái thế giới có chỗ cho sự chán chường, những bàn tay rảnh rỗi và không gian cho suy tưởng. Tôi không còn cảm thấy những bóng ma trong túi mình hoặc những giấc mơ kiểm tra tin nhắn Twitter. Tôi nhìn vào mắt người đối diện và lắng nghe họ nói. Tôi dùng thang máy với bàn tay trống không. Và khi tôi lại sa vào điện thoại, tôi nhận ra điều đó và sửa sai.
Tôi vẫn chưa hoàn toàn hết nghiện, và tôi phải cảnh giác. Nhưng lần đầu tiên trong một thời gian lâu như vậy, tôi bắt đầu lại có cảm giác mình là con người.
Nguồn: The New York Times
Dịch bởi Yogavietnam