“Tĩnh lặng là điều cốt lõi. Chúng ta cần sự tĩnh lặng như chúng ta cần không khí, như cái cây cần ánh sáng. Nếu tâm trí chúng ta lúc nào cũng đầy những từ ngữ và suy nghĩ, thì lấy đâu ra không gian cho chính chúng ta.

-Thích Nhất Hạnh

 Biết như thế nhưng có mấy ai tìm được sự yên an, tĩnh lặng ấy. Mỗi sáng thức dậy, Facebook news feed, tin tức từ các phương tiện truyền thông, email mới ở công ty và thậm chí bài viết bạn đang đọc đây đem đến hàng ti tỉ thông tin với đầy đủ cảm xúc hỉ nộ ái ố. Trong các thông tin, cảm xúc ấy, có bao nhiêu thật sự cần thiết để bạn lưu lại trong tâm trí? Bạn có lọc được cái gì cần quên, cái gì cần giữ không? Bạn có thấy bộ não như cái túi thần Đoremon, chứa được bao nhiêu là thứ, hữu ích cũng có mà vô dụng cũng có. Bạn có lúc nào thảnh thơi để dọn dẹp cái túi ấy?

Chúng ta đang sống trong một môi trường quá sôi động. Bộ não liên tục phải (được) tiếp nhận các thể loại thông tin, tín hiệu và kích thích. Dần dần, nó sẽ quen với việc được lấp đầy, được nhận, xử lý hoặc cất giấu vào sâu trong tâm thức những gì đã nhận được. Nếu không tỉnh táo thì con người sẽ có thói quen dựa dẫm thế giới ngoại quan, quay ra bên ngoài nhiều hơn để tìm kiếm cái gì đó lấp đầy tâm trí (để có cảm giác thoả mãn, đủ đầy). Nhưng như vậy, cơ quan thần kinh giao cảm luôn trong trạng thái làm việc. Cơ quan này còn được gọi là cơ chế “chiến đấu, bỏ chạy hoặc tê liệt” (Fight, flight or freeze). Khi cơ chế này được kích hoạt, cơ thể sẽ bỏ qua những hoạt động ưu tiên khác như tiêu hoá, điều hoà hormon, chức năng tình dục và trí nhớ để tập trung năng lượng cho việc đối phó các kích thích mà nó cho là nguy hiểm. Và khi cơ chế này quá tải sẽ gây ra tâm lý bất an hỗn loạn, gây ức chế các hoạt động tâm thức không chạm vào được phần vô thức sâu xa để điều chỉnh trạng thái quân bằng, an ổn cho cơ thể.

Trên thực tế, chúng ta luôn cần những khoảng trống để có thời gian buông lỏng, cho tâm trí ngừng hoạt động và để cho chúng ta tồn tại.

Giải pháp của Yin yoga:

Các bài thực hành Yin yoga giúp nuôi dưỡng trạng thái trầm lắng và yên lặng trong cơ thể. Khi hoàn thành buổi tập, hệ thần kinh được đưa về trạng thái ban đầu, giúp kích hoạt các phản ứng giao cảm “nghỉ ngơi và tiêu hoá” (rest and digest) mang đến sự yên an và có tác dụng chữa trị. Là một phương pháp thiên về thiền (meditation), Yin yoga nhắm tới việc gieo trồng ý thức về sự yên lặng bên trong. Nó giúp chúng ta đối mặt với bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc sống với sự thông suốt hơn và tin tưởng hơn.
Việc duy trì tư thế bất động trong một khoảng thời gian (5 phút hoặc hơn) tạo những khoảng hở cho tâm trí. Giữ các khoảng hở này trong trạng thái trống rỗng sẽ tạo không gian mới cho bất cứ thứ gì du nhập vào như cảm giác lo lắng, hạnh phúc, buồn bã hay chán nản. Bằng cách này chúng ta tạo cơ hội để các cảm xúc được hiện diện, được ý thức thay vì phải kềm nén, giấu sâu bên trong. Trong lớp Yin yoga, giáo viên sẽ khuyến khích bạn cho phép các cảm giác này hiện diện, nhưng không phải để khóc cười theo chúng. Giáo viên sẽ hướng dẫn bạn đóng vai trò là người chứng kiến mọi thứ đang hiện hình trong khoảng không gian vừa hình thành bên trong bạn. Tất cả những cảm xúc, cảm giác bị giấu kín sẽ được gọi dậy, lôi ra. Bạn sẽ không thể nào biết được cơ thể bạn hao tốn bao nhiêu năng lượng để kềm nén những cảm xúc này. Do đó việc giải phóng chúng có ý nghĩa giải phóng rất to lớn cho cơ thể bạn.

Bạn học cách nhận thức đơn thuần về mặt lý tính của cảm xúc, mà không bị vướng bận vào những câu chuyện xung quanh cảm xúc ấy. Tức là bạn nhìn thấy và gọi tên chúng, nhưng chúng không ảnh hưởng đến bạn, không cuốn bạn sâu vào những câu chuyện của chúng. Nhờ đó, cơ thể bạn đang mở cánh cửa cho các cảm xúc này trôi khỏi cơ thể bạn, gột sạch những chướng ngại dư thừa, những nguồn thông tin, trạng thái không cần thiết. Nó giống như quá trình bạn ngồi lại, lộn ngược cái túi Đoremon của mình, sắp xếp, lọc lại và mạnh dạn vứt đi những thứ vô dụng.

Yang yoga là những động tác vận động, chống lại trọng lực (gravity). Các tư thế căng cơ, gồng cơ giúp cơ thể cân bằng trước lực hút trái đất. Trong khi đó, Yin yoga lại thuận theo trọng lực. Khi thời gian và trọng lực kéo chúng ta xuống sâu hơn trong mỗi tư thế, chúng ta rơi vào trạng thái buông bỏ (surrender), hướng vào sự cảm nhận vùng cơ thể được tiếp cận nhất, giữ thế lâu và tập trung quan sát. Để quan sát tốt thì dừng suy nghĩ, dừng tiếp nhận thông tin. Từ những khoảng lặng đó mà tâm trí được lọc sạch. Đây gọi là sự buông bỏ trong yên an.

Tuy nhiên, không nên tách biệt Yin (âm) và Yang (dương). Trước khi tập Yin phải tập Yang để làm ấm cơ thể. Và khi tập Yang, luyện tập với tỉnh thức người ta sẽ đạt được Yin. Âm dương hoà hợp là cái đích cần đạt tới .

Tư liệu: Tổng hợp