Lời thú nhận: Tôi ghét bị chụp hình. Nó làm tôi cảm thấy tổn thương và bị phơi bày. Điều này nghe có vẻ lạ lùng khi xuất phát từ một giáo viên dạy yoga thích ứng trên ghế và lại chuyên tạo nội dung giảng dạy online trên trang web của cô ấy. Phơi bày bản thân ra bên ngoài và cho phép bản thân bị tổn thương vẫn làm tôi sợ hãi, nhưng việc đối diện với sự khó chịu của bản thân là một bài học yoga mạnh mẽ.
Năm 2015, tôi có một bước chuyển mình. Nó xảy ra ở quầy chụp ảnh của Liên minh hình ảnh cơ thể và yoga (YBIC) tại Hội thảo yoga có thể tiếp cận. YBIC là một tổ chức đa dạng yoga nhằm phá vỡ những khuôn mẫu yoga. Thành lập năm 2014, chiến dịch “Đây là những hình ảnh của một yogi” của họ đã tạo ra và chia sẻ những tấm hình họ chụp cho các yogi với mọi hoàn cảnh và khả năng. Là một người tàn tật bắt đầu tập yoga và ủng hộ sự đa dạng của yoga, tôi rất háo hức tham gia buổi chụp ảnh. Nhưng càng gần đến lúc được chụp, tôi càng cảm thấy sự kháng cự.
Người sáng lập YBIC Malenie Klein trấn an tôi rằng cô ấy và nhiếp ảnh gia/thành viên YBIC Sarit Rogers sẽ ở đó ủng hộ tôi. Những lời nói của cô làm tôi cảm thấy tốt hơn, nhưng tận sâu bên trong tôi vẫn muốn trốn tránh.
Tôi càng muốn kháng cự, tôi càng nhận ra đã đến lúc mình cần xử lý sự khó chịu khi hiện diện và chụp ảnh. Sau tất cả, chịu khuất phục nỗi sợ hãi đi ngược với các nguyên tắc quan trọng của yoga.
Trong yoga, chúng ta cố gắng đối diện với sự khó chịu bằng cách tĩnh tâm và thả lỏng ngay trong khoảnh khắc. Kinh Yoga Sutras dạy rằng chịu đựng sự khó chịu sẽ gây ra nỗi đau khổ quá mức. Cách thức tốt nhất để dập tắt đau khổ là ôm lấy sự khó chịu.
Khi tôi ngồi trong quầy chụp hình, tim tôi đập nhanh. Tôi đang sợ hãi. Những lời tự thầm tiêu cực cứ vang vọng trong đầu. Mày chẳng đủ tốt – mày là ai mà đùa? Mày chưa bao giờ chụp hình cả đời này, tôi tự nhủ.
Sarit cảm nhận được sự lo lắng của tôi và nghĩ ra một giải pháp. Cô đề nghị tôi đặt tay lên trái tim mình.
Giây phút tôi đặt bàn tay lên trái tim tôi và kết nối với cơ thể mình từ bên trong, tôi lập tức cảm thấy bình tĩnh. Tôi có thể ổn định bản thân, thả lỏng trong khoảnh khắc, tìm thấy lòng từ bi, và định vị được sự an yên từ bên trong.
Cuối buổi chụp hình, Melanie, Sarit và tôi đều khóc. Chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi diễn ra đối với tôi. Tôi hiện diện và bị phơi bày. Tôi cảm thấy mình can đảm và biết ơn vì chấp nhận rủi ro.
“Đây là những gì một yogi trông như vậy,” Tôi nói với sự trân trọng cho Melanie và Sarit. “Người dẫn đường bên trong tôi biết cần làm gì. Tôi cảm thấy được tự do. Tôi vui vì mình đã làm điều (chụp ảnh) này.”
Nỗi sợ hãi bị tổn thương của tôi bắt đầu sau khi sống sót từ một tai nạn xe cộ năm 19 tuổi. Từ một vận động viên hướng ngoại chuyên tâm cho khiêu vũ, thể thao và hoạt động nhảy cổ vũ, tôi phải học cách sống với sang chấn tâm lý và thân thể từ chấn thương cột sống làm hạn chế khả năng vận động của tôi.
Bác sĩ nói tôi sẽ không đi lại được. Họ nói sang chấn từ chấn thương cột sống sẽ phá hủy danh tính của tôi. Họ đã đúng. Chia tay ước mơ được nhảy trên sân khấu Broadway làm cho tôi thấy vô vọng. Tôi từng nói, Tôi là ai nếu không được nhảy nữa? Tôi không biết làm gì với cuộc đời mình.
Sau một tháng nghỉ trên giường, khi những vết sưng trên lưng đã tan biến, tôi trải qua cuộc phẫu thuật cột sống để cấy thanh Harrington. Sau đó tôi bị cố định trong một khung ôm từ eo đến cổ mà tôi phải đeo bên ngoài quần áo của mình suốt 24h mỗi ngày.
Khi đến lúc tập vật lý trị liệu, tôi thực hiện như đó là một công việc. Tôi học cách điều khiển xe lăn và nạng tay. Vật lý trị liệu kéo dài hơn một năm. Mỗi bước đi, cho dù nhỏ thế nào, cho tôi sự tự tin, nhưng chấp nhận sự thật về chấn thương cột sống thật không dễ dàng.
Tôi muốn trốn chạy khỏi thực tế. Tôi nghĩ việc gọi mình là người khuyết tật sẽ làm mọi người nhìn nhận tôi là một người khiếm khuyết. Tôi che giấu nỗi đau tinh thần vì tôi muốn bảo vệ bản thân. Tôi không muốn thể hiện những đau đớn tôi chịu đựng. Tự bảo vệ mình làm tôi thấy an toàn.
Tôi trải qua một phép lạ học cách đi lại với các dụng cụ chỉnh hình chân, nhưng việc trị liệu cảm xúc diễn ra thành từng mảnh trong suốt nhiều năm. Tôi đã làm nhiều thứ suốt thời gian đó. Tôi học được vài bằng cấp. Tôi học tiếng Pháp trong một chương trình du học hè ở Đức. Là biên tập viên cho tờ báo tại trường đạ học, tôi phỏng vấn Larry King và sau trở thành một người bình luận phim và tác giả freelance cho tờ The Wichita Eagle và các xuất bản khác. Là trợ giảng môn tiếng Anh cho chương trình cao học, tôi được nhận học bổng tham dự Lễ hội phim ảnh Telluride ở Colorado. Tôi yêu việc dạy tiếng Anh ở trường đại học và nhận được giải thưởng giảng dạy từ các sinh viên. Tôi còn làm việc cho quỹ trợ cấp bang giúp hỗ trợ chi phí chụp X quang vú cho những phụ nữ không có bảo hiểm y tế. Những trải nghiệm đó làm cho cuộc sống của tôi có ý nghĩa, nhưng tôi không thấy trọn vẹn cho đến khi tôi tham gia lớp yoga thích ứng 30 năm sau đó.
Nhìn bề ngoài, cuộc đời tôi là một thành công. Nhưng bên trong, vẫn còn chỗ để trưởng thành. Yoga đã dạy tôi tin tưởng vào cơ thể mình một lần nữa, sự soi rọi cho một người từng là vũ công. Thêm vào đó, yoga đã giúp tôi tìm thấy sự can đảm để chịu sự tổn thương và chia sẻ khiếm khuyết của mình một cách sâu sắc và ý nghĩa hơn. Tôi càng nói về trải nghiệm của một yogi khuyết tật, tôi càng cảm thấy toàn vẹn.
Yoga vẫn luôn là người thầy tốt nhất của tôi. Việc cảm thấy sự trọn vẹn bắt đầu khi tôi tò mò về nỗi sợ hãi bị tổn thương và dù vậy vẫn cho phép bản thân được nhìn thấy. Buồn cười là thứ mà chúng ta cố gắng bảo vệ bản thân tránh xa có thể đôi khi là sức mạnh lớn nhất của chính ta.
Điều quan trọng là nên nhớ rằng mọi người mà ta gặp hay giao thiệp cũng phải trải qua những khó khăn của riêng họ. Chia sẻ câu chuyện của chúng ta sẽ giúp kết nối với nhau. Những mối quan hệ đặt trọng tâm vào trái tim là những gì tôi tìm thấy ở quầy chụp hình YBIC. Dễ bị tổn thương có thể gây sợ hãi lúc ban đầu. Nhưng, với trải nghiệm của tôi, nó xứng đáng để mạo hiểm.
Vài dòng về tác giả: Thạc sĩ Mary Higgs là một giáo viên tiếng Anh online tại trường Cao đẳng cộng đồng Butler ở Kansas. Cô là một tác giả, có chứng chỉ Giáo viên yoga 200h, một nhà giáo dục, một người chịu mạo hiểm, người ủng hộ yoga đa dạng, người kêu gọi công bằng xã hội và ủng hộ người khuyết tật.
Photography: Sarit Z Rogers
Nguồn: Yogainternational
Dịch bởi Yogavietnam